Thủ tướng yêu cầu tập trung cấp tín dụng cho 3 "đầu tàu" tăng trưởng chính
Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chưa đạt kỳ vọng
Thông báo nêu, trong 11 tháng của năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, bên cạnh đó nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế, tác động ảnh hưởng sau COVID-19 còn kéo dài.
Tăng trưởng tín dụng 11 tháng năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa kịp thời theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: (i) tín dụng cho vay trung và dài hạn tiếp tục gặp khó khăn; (ii) tăng trưởng tín dụng còn thấp, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng là rất lớn; (iii) kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là 120.000 tỷ xây dựng nhà ở xã hội; (iv) nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số các tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Các nguyên nhân được chỉ ra xuất phát từ cả phía tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân
Đối với các tổ chức tín dụng: (i) hồ sơ cho vay vẫn còn phức tạp, khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà; (ii) lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là lãi suất cho vay; (iii) vẫn còn hiện tượng tiêu cực, sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, nhất là việc cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các ngân hàng thương mại.
Đối với doanh nghiệp và người dân: (i) kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cả tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng, tín dụng về đầu tư; (ii) một số doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn; (iii) mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả; (iv) quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng thương mại còn thiếu linh hoạt trong khi phải bảo đảm, kiểm soát các tiêu chuẩn tín dụng theo quy định, không hạ chuẩn tín dụng.
Tập trung tín dụng cho 3 động lực tăng trưởng
Với những hiện trạng nêu trên, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.
Các chủ thể có liên quan từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức đồng lòng, hơn lúc nào hết cần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, càng khó khăn phải càng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý việc nào dứt việc đấy.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2023, lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ .
Đồng thời, thực hiện các giải pháp tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay, tài sản bảo đảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn, đồng thời phải bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Khẩn trương hoàn thiện, sớm trình cấp thẩm quyền các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn,...