Thuduc House lỗ ròng gần 20 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023
Dù lỗ ròng gần 20 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhưng Thuduc House cho biết lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cuối năm 2023 dự kiến lãi ròng 88 tỷ đồng nhờ hai khoản mục chuyển nhượng dự án Phú Mỹ và Tầng 8 Cantavil.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 mới công bố, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, MCK: TDH, sàn HoSE) tiếp tục có một kỳ kinh doanh ảm đạm.
Cụ thể, Thuduc House ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 21 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn lại có mức tăng lớn hơn, dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ tăng 73%, lên mức 5,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính lại giảm 62% còn gần 1,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 13% ở mức 13,7 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 45% và 39% còn 298,5 triệu đồng và 4,9 tỷ đồng.
Dù đã tiết kiệm chi phí nhưng vẫn vượt quá nguồn thu khiến Thuduc House lỗ ròng 9,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 16,8 tỷ đồng.
Cùng với kết quả lỗ trong quý I/2023, lũy kế 6 tháng đầu năm nay Thuduc House lỗ ròng 19,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi gần 42 tỷ đồng. Tổng doanh thu nửa đầu năm đạt 69,1 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty còn cách rất xa với mục tiêu lãi ròng 88 tỷ đồng cả năm.
Với kết quả lợi nhuận sau thuế ở con số âm trong quý II, lỗ lũy kế của Thuduc House tính tới ngày 30/6 ở mức hơn 708 tỷ đồng.
TDH cho biết, kết quả thua lỗ trong nửa đầu năm 2023 là do công ty phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư hơn 25 tỷ đồng đồng, trong đó dự phòng giảm giá cổ phiếu FDC gần 20 tỷ đồng, dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào CTCP Dệt may Liên Phương hơn 5 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết nếu loại trừ khoản dự phòng vừa nêu, TDH có thể ghi nhận khoản lãi hơn 5 tỷ đồng trong sau 6 tháng đầu năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của TDH tại 30/06/2023 là 1.394 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt tăng gấp 1,75 lần nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 4,9 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn thay đổi không đáng kể ở mức 4 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 3%, lên 615 tỷ đồng. Còn hàng tồn kho giảm 8%, còn 275 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả gần như đi ngang với 976 tỷ đồng. Điểm sáng là TDH tiếp tục không sử dụng đòn bẩy tài chính. Do đó, chiếm tỷ trong lớn nhất trong cơ cấu nguồn vốn là khoản phải trả ngắn hạn khác tăng 2%, lên 520 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 7 vừa qua, Thuduc House cũng công bố tình hình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo. Cụ thể, cổ phiếu TDH bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/04/2023 với lý do Công ty lỗ lũy kế hơn 688 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022. TDH cho biết khoản lỗ lũy kế này chủ yếu đến từ ảnh hưởng của vụ linh kiện điện tử 2017-2019.
Về cách khắc phục, TDH cho biết đầu tiên Công ty sẽ thực hiện hoàn nhập chi phí đã trích lập dự phòng sau khi có phán quyết phúc thẩm của Tòa án.
Trước đó, TDH đã nhận được bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án với nộp dung chuyển 365,5 tỷ đồng TDH đã tạm nộp phục vụ điều tra cho Cục thuế TP.HCM để khắc phục hậu quả; buộc 18 bị cáo phải liên đới bồi hoàn 340,2 tỷ đồng cho TDH; buộc các bị cáo bồi thường thiệt hạn gây ra cho TDH với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng; cơ quan điều ra xem xét tháo gỡ hạn chế giao dịch, biến động tài sản về đất đai cho TDH.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, TDH cho biết dù lỗ ròng gần 20 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhưng lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ năm 2023 dự kiến lãi 88 tỷ đồng nhờ các hoạt động sau:
Cụ thể, Công ty có 2 khoản mục mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn là chuyển nhượng dự án Phú Mỹ và Tầng 8 Cantavil, việc hoàn tất chuyển nhượng 2 dự án này có thể được hoàn tất trong năm nay.
Đối với dự án Phú Mỹ, dự án đã cơ bản được tháo gỡ vướng mắt về pháp lý nên việc chuyển nhượng hoàn toàn khả thi. Dự kiến, dự án mang về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 226 tỷ đồng và 64,4 tỷ đồng.
Còn với tầng 8 Cantavil, TDH đã tìm được đối tác có nhu cầu, chỉ chờ cơ quan điều tra gỡ bỏ hạn chế giao dịch là có thể hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.