Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Everland Group làm ăn ra sao?

Nguyễn Hà Giang

Năm 2023, EVG đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.800 tỷ đồng; lợi nhuận kỳ vọng 138 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 65,6 tỷ đồng.

tiem-luc-cua-chu-dau-tu-du-an-crystal-holidays-harbour-van-don-hon-3600-ty-ra-sao-antt-1684141005.jpg
Trong quý I/2023, EVG lợi nhuận sau thuế của EVG đạt 4,40 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nhịp sống Thị trường

CTCP Tập đoàn Everland (Everland Group, MCK: EVG, sàn: HoSE) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 31/05/2023 tại Hà Nội.

Năm 2023, EVG đặt mục tiêu tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.800 tỷ đồng; lợi nhuận gộp kỳ vọng 138 tỷ đồng; doanh thu tài chính đạt 3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 65,6 tỷ đồng. Công ty mẹ đặt mục tiêu tới doanh thu thuần đạt 850 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ bất động sản đạt 170 tỷ, thi công công trình 100 tỷ đồng, thương mại đạt 550 tỷ đồng và dịch vụ 30 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 57 tỷ đồng.

Trong năm 2023, EVG sẽ tập trung nguồn lực cao độ thi công dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, đồng thời tập trung đẩy nhanh các công việc còn lại của thủ tục pháp lý đất đai và xây dựng để có thể khởi công các Dự án khác như: Crystal Holidays Heritage Lý Sơn (Quảng Ngãi), Crystal Holidays Marina Phú Yên, Xuân Đài Bay (Phú Yên) và dự án thành phần Khu đô thị Bốn mùa thuộc Tổ hợp Đô thị - Du lịch Flower World Sa Đéc (Đồng Tháp).

Bên cạnh đó, EVG cũng sẽ nghiên cứu, đánh giá và chọn lựa một số dự án có tiềm năng phát triển và sinh lời, có cơ sở pháp lý đầy đủ để thỏa thuận nhận chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư, khai thác, phù hợp với nguồn lực hiện có của Tập đoàn.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của EVG ghi nhận doanh thu thuần tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022 lên 285,2 tỷ đồng; giá vốn bán hàng tăng 6,2% nên lợi nhuận gộp kỳ này giảm 20,7% xuống 8,59 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 4,40 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, với kết quả đã đạt được ở quý I/2023 EVG đã hoàn thành 15,8% doanh thu và 6,7% lợi nhuận.

Lý giải về tình hình kinh doanh trên, EVG cho biết trong quý I/2023 thị trường vật liệu gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng từ việc điều tiết chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động bất động sản.

Tổng tài sản EVG tính tới 31/03 tăng nhẹ so với đầu năm lên 2.685 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 2 lần lên 60,5 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng 19% lên 476,7 tỷ đồng. Trong đó, phải thu Công ty TNHH Thương mại Hà Vĩnh ghi nhận 238,9 tỷ đồng; CTCP Quốc tế Phương Anh 111,38 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trả trước cho Công ty TNHH TM và Dịch vụ Công nghiệp Hùng Quân 80,26 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Thuận 75,41 tỷ đồng, CTCP Bất động sản và Xây dựng Kinh Bắc 67,5 tỷ đồng... Hàng tồn kho trong kỳ tăng gần 5% lên 193,2 tỷ đồng.

Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang đến cuối quý I/2023, EverLand ghi nhận số tiền là 667,23 tỷ đồng.

Trong đó, dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn chiếm phần lớn khoản chi phí này, đạt 466,89 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm là 107,42 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay là gần 92 tỷ đồng; Dự án khu đô thị Nam Sông Cầu là 1,1 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả tăng 27,2% lên 82,93 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 82,58 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn tăng 35,5% lên 64,26 tỷ đồng.

Được biết, CTCP Tập đoàn Everland được thành lập từ năm 2009, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Tháng 6/2017, EVG chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo giới thiệu trên website của công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lê Đình Vinh (1972) quê quán ở Vĩnh Phúc, thạc sĩ Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội, Tiến sĩ Luật – Trường Đại học Tổng hợp Kyushu (Nhật Bản).

Đến cuối tháng 3/2023, Chủ tịch HĐQT EVG Lê Đình Vinh nắm giữ 26,3%, ông Nguyễn Thúc Cẩn (7,5%) và Công ty TNHH Dream House Asia (5,4%).

Từ năm 1995-2008 ông Vinh là Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường ĐH Luật Hà Nội. Sau đó, ông Vinh làm Phó Trưởng ban Ban thư ký Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong 2 năm. Ngoài ra, ông Vinh cũng là người từng gây xôn xao khi tranh cử Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.

Doanh nhân, Luật sư Lê Đình Vinh được biết đến là "người cũ" trong cơ cấu lãnh đạo của FLC khi từng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Trong giai đoạn 2010 - 2014, ông Vinh trở thành Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, Hà Nội; Phó Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC, Hà Nội. Sau đó ông Vinh trở thành Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Hà Nội. Đến 2011, ông Vinh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Everland.

Hiện nay, ngoài nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Everland, ông Vinh còn được biết đến là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Heritage Holdings.

Tiểu Vy (t/h)