Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tiềm lực doanh nghiệp muốn làm dự án băng tải 8.000 tỷ đồng vận chuyển than từ Lào về Việt Nam

Phạm Thị Tâm

PTS Viễn Đông được tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phépkhảo sát, nghiên cứu dự án làm băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam qua tỉnh này, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.000 tỷ đồng.

tiem-luc-doanh-nghiep-muon-lam-du-an-bang-tai-8000-ty-dong-van-chuyen-than-tu-lao-ve-viet-nam-antt-1693648892.JPG
Xe chở than từ Lào về Việt Nam ùn ứ tại cửa khẩu La Lay. Ảnh: VietNamNet

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thống nhất chủ trương cho phép Công ty PTS Viễn Đông khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng hệ thống vận chuyển than đá xuyên biên giới Lào - Việt Nam bằng băng tải kín (đi nổi trên cầu máng và hệ dầm, giàn thép) qua các cửa khẩu: Hồng Vân - Cô Tài, A Đớt - Tà Vàng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, chia thành 3 giai đoạn, hoàn thành sau 2 năm.

Giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ xây dựng tuyến băng tải dài 12-15km từ kho bãi trung chuyển bản Cô Tài đến kho bãi trung chuyển cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới, gần đường Hồ Chí Minh. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 30ha, gồm đường băng tải và bãi hạ tải kho vận.

Giai đoạn 2, nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 25-30km từ cửa khẩu Hồng Vân đến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, đi qua huyện A Lưới và huyện Phong Điền về bãi tập kết than tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 40ha.

Giai đoạn 3, nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 75-85km từ mỏ than Kà Lừm, tỉnh Sekong (Lào) đến cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 70ha.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, điểm đầu tuyến tại khu vực bản Cô Tài gần cửa khẩu Cô Tài - Hồng Vân, điểm cuối tuyến dự kiến tại kho bãi trung chuyển trên địa bàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) để vận chuyển bằng đường bộ về Cảng Mỹ Thủy, Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị), hoặc cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Ước tính, chiều dài toàn tuyến khoảng 115 - 133 km, được vận hành từ nguồn điện lưới quốc gia.

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu PTS Viễn Đông phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan (gồm cả Việt Nam và Lào), lưu ý về hướng tuyến và công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường, đất rừng…; nghiên cứu thêm tuyến đường ống từ Cửa khẩu A Đớt về huyện Nam Đông (theo tuyến đường tỉnh 74) trong giai đoạn 3.

Về PTS Viễn Đông, doanh nghiệp đi vào hoạt động từ ngày 23/12/2022, có trụ sở chính đóng tại số 150 Quốc lộ 9, phường 1, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Doanh nghiệp đăng ký nghành nghề kinh doanh chính là sản xuất xi măng, vôi và thạch cao; do ông Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1971, thường trú tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh là người đại diện pháp luật.

Thời điểm mới thành lập, PTS Viễn Đông có vốn điều lệ 5 tỷ đồng; với 6 cổ đông gồm: ông Nguyễn Kim Sơn (45%); ông Nguyễn Kim Bình (3%); ông Hà Hồng Tuấn (12%); ông Nguyễn Quang Huy (25%); bà Lê Phương Anh (5%) và ông Văn Tiến Dũng (10%).

Đến ngày 24/8/2023, PTS Viễn Đông thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh và tăng vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, các cổ đông góp vốn vẫn giữ nguyên...

Được biết, PTS Viễn Đông đang là nhà thầu vận chuyển than cho Tập đoàn Phonesack Group từ mỏ than Kà Lừm (tỉnh Sekong, Lào) về các cảng Chân Mây, Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và cảng Cửa Việt qua cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị).

Bạch Hiền (t/h)