Tiền gửi ồ ạt chảy vào ngân hàng: Tăng 1,68 triệu tỷ trong năm 2023, riêng quý 4 tăng hơn 800.000 tỷ
Trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị ngành ngân hàng sáng 8/1, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Như vậy, trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, riêng quý 4 tăng trên 800.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.
Tiền gửi tăng mạnh bất chấp lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục. Hiện hầu hết nhà băng đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức dưới 6% năm.
Số liệu được các ngân hàng lớn công bố mới đây cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền gửi ở mức cao trong năm 2023. Theo đó, huy động vốn của BIDV đến cuối năm 2023 đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; tăng trưởng huy động vốn của VietinBank đạt 13,7%, Vietcombank tăng 12,1%.
Cũng tại hội nghị, NHNN cho biết, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022, thấp hơn không đáng kể so với mức tăng 14,18% của năm trước.
Như vậy, trong năm 2023, tổng dư nợ toàn nền kinh tế đã tăng thêm hơn 1,63 triệu tỷ đồng, cao hơn 153.000 tỷ so với mức tăng của năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn quy mô gia tăng của tiền gửi.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc cho biết, ngay từ đầu năm và cả năm 2023, NHNN đã ứng phó với sự chắc chắn, chủ động và linh hoạt với diễn biến tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động và về cơ bản đã góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Sự chắc chắn, chủ động, linh hoạt của chính sách tiền tệ năm 2023 thể hiện qua việc NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra), ổn định tỷ giá, VND mất giá chưa đến 3%, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện trở lại… nhờ sự kết hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa điều hành lãi suất, tỷ giá và điều tiết tiền tệ phù hợp với những diễn biến tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, và dự báo sức ép lạm phát không lớn, NHNN đã chủ động điều hành, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,05%. Cụ thể, mặc dù mặt bằng lãi suất thế giới vẫn ở mức cao nhưng NHNN đã mạnh dạn 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, duy trì thanh khoản dồi dào để hỗ trợ các TCTD giảm lãi suất cho vay, đưa mặt bằng lãi suất cho vay mới trở về mức trước dịch Covid 19, giảm khoảng hơn 2% so với cuối năm 2022.
Đồng thời, NHNN cũng điều hành tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, NHNN ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn. Ban hành Thông tư 03, Thông tư 06 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển thị trường TPDN, thị trường bất động sản. Tổ chức hàng 460 chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trên toàn quốc;...