Tiến sĩ người Ấn của ĐH RMIT: Từ chuyện tỷ phú Ấn Độ muốn rót 2 tỷ USD xây cảng Đà Nẵng, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội thế nào?

Trong buổi tiếp Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Adani (Ấn Độ) cho biết đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD, bên cạnh một loạt dự án tỷ USD khác như nhiệt điện Vĩnh Tân 3, sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai...

Tiến sĩ người Ấn của ĐH RMIT: Từ chuyện tỷ phú Ấn Độ muốn rót 2 tỷ USD xây cảng Đà Nẵng, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội thế nào?- Ảnh 1.

Tiến sĩ Majo George - Giảng viên người Ấn Độ tại ĐH RMIT Việt Nam.

Gautam Adani - một trong những tỉ phú có ảnh hưởng nhất Ấn Độ - đã công bố dự định đầu tư 2 tỷ USD xây dựng cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng.

"Với khả năng về tài chính, kỹ thuật, chúng tôi sẽ tham gia sâu thêm vào nhiều dự án tại tại Việt Nam. Cam kết của cá nhân tôi là như vậy", ông Gautam Adani - Chủ tịch tập đoàn Adani - chia sẻ trong buổi tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ngoài dự án cảng Liên Chiểu, Adani dự kiến đầu tư 2,8 tỷ USD vào dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), tham gia xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2 (Đồng Nai) và sân bay Chu Lai (Quảng Nam).  

Cơ hội từ dòng vốn Ấn Độ

Tiến sĩ người Ấn của ĐH RMIT: Từ chuyện tỷ phú Ấn Độ muốn rót 2 tỷ USD xây cảng Đà Nẵng, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội thế nào?- Ảnh 2.

Trong buổi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Tập đoàn Adani khẳng định cam kết, quyết tâm đầu tư tại Việt Nam với các dự án được đề xuất có tổng vốn lên tới khoảng 10 tỷ USD. Ảnh: VGP.

"Các tập đoàn Ấn Độ đang quan tâm đến Việt Nam và lên kế hoạch đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Những dự án này đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ kinh tế và chiến lược ngày càng khăng khít giữa hai quốc gia", Tiến sĩ Majo George - Giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam - nhìn nhận.

Trong một diễn biến đầy hứa hẹn khác, BDR Pharmaceuticals, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Ấn Độ, đặt mục tiêu thành lập cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.

Hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Ấn Độ và Việt Nam không phải là một hiện tượng mới mà là sự tiếp nối quan hệ lịch sử lâu đời. Hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và có chủ trương xây dựng mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng bền chặt.

Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016 đã củng cố hơn nữa mối quan hệ này, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, khoa học và công nghệ và quốc phòng.

Tiến sĩ George - giảng viên người Ấn Độ - cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực kinh tế truyền thống, chuyên môn và kinh nghiệm của doanh nghiệp Ấn Độ có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này. 

"Dòng vốn đầu tư và công nghệ của Ấn Độ sẽ không chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng của Việt Nam mà còn mở đường cho việc chuyển giao kiến thức, phát triển kỹ năng và đổi mới", TS George nói.

Một tương lai tươi sáng phía trước

Tiến sĩ người Ấn của ĐH RMIT: Từ chuyện tỷ phú Ấn Độ muốn rót 2 tỷ USD xây cảng Đà Nẵng, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội thế nào?- Ảnh 3.

Giảng viên cấp cao của ĐH RMIT cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội to lớn để tận dụng những khoản đầu tư hiện tại và tương lai từ Ấn Độ. Để tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi giá trị và hệ sinh thái do doanh nghiệp Ấn Độ thiết lập, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện các hành động chủ chốt sau:

- Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược: Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham gia liên doanh và liên minh chiến lược với doanh nghiệp Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cơ sở hạ tầng, dược phẩm, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ v.v. Hợp tác này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, cải thiện hiệu quả hoạt động và tiếp cận các cơ hội thị trường mới.

- Tận dụng thế mạnh địa phương: Doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng thế mạnh về sản xuất và dịch vụ của mình để bổ trợ cho hoạt động đầu tư của Ấn Độ. Qua đó, có thể nâng cao chuỗi giá trị tổng thể bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, đặc biệt ở những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

- Khám phá cơ hội xuất khẩu: Với tiềm năng thị trường rộng lớn của Ấn Độ, các công ty Việt Nam nên tìm hiểu cơ hội xuất khẩu, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà họ có lợi thế cạnh tranh. Thiết lập mạng lưới phân phối và quan hệ đối tác ở Ấn Độ có thể mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt.

- Đầu tư vào phát triển kỹ năng: Tập trung vào nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của những ngành công nghệ cao. Các doanh nghiệp có thể xem xét đầu tư vào các chương trình đào tạo và hội thảo với chuyên gia Ấn Độ để xây dựng năng lực địa phương. Qua đó, đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và đổi mới hiệu quả, đặc biệt trong phát triển cơ sở hạ tầng và dược phẩm.

"Thông qua những nỗ lực chủ động như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể gia nhập chuỗi giá trị mới, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường quan hệ kinh tế với Ấn Độ", TS George chia sẻ.

Bình An

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT