‘Tiếng nói’ của Thái Hưng tại BCA
Theo tính toán, BCA đến cuối quý I/2025 ghi nhận 824 tỷ đồng phải trả ngắn hạn với các pháp nhân liên quan/liên hệ đến Thái Hưng, tức chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn công ty.
Tháng 4/2025, HĐQT CTCP B.C.H (UPCOM: BCA) đã có Nghị quyết thông qua tổng hợp kết quả chào bán 31 triệu cổ phiếu riêng lẻ 16 cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tăng vốn điều lệ.
Sau đợt chào bán, BCA thu về tổng cộng 449 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa số tiền được công ty dùng để thanh toán tiền vay cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Hải Dương (245 tỷ đồng), và đáng chú ý là thanh toán công nợ phải trả cho CTCP Thương mại Thái Hưng (204,5 tỷ đồng).
Căn cứ theo BCTC quý I/2025, BCA đến cuối quý I/2025 có khoản phải trả người bán ngắn hạn hơn 585 tỷ đồng với CTCP Thương mại Thái Hưng (TM Thái Hưng).

Nguồn: BCTC quý I/2025 của BCA
Mối quan hệ giữa BCA và nhóm Thái Hưng Group không còn quá lạ lẫm. Như ANTT từng đề cập, sự liên hệ giữa hai bên từng thể hiện ở giao dịch BCA mua lại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang (TQIS) từ nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 12/2023. Đáng chú ý, người được BCA ủy quyền nắm giữ 100% vốn (hơn 2.167 tỷ đồng) tại TQIS chính là ông Nguyễn Duy Luân – thời điểm đó là Phó Tổng Giám đốc TM Thái Hưng.
Tính đến cuối quý I/2025, TM Thái Hưng là cổ đông lớn sở hữu 9,83% vốn BCA. Dĩ nhiên, "tiếng nói" của TM Thái Hưng tại BCA có thể còn hơn thế nữa. Trong đợt chào bán riêng lẻ vừa qua của BCA, trong số 16 cá nhân nhà đầu tư chuyên nghiệp có ông Đặng Ngọc Hưng. Ông Hưng từng là Phó phòng kinh doanh TM Thái Hưng giai đoạn tháng 4/2015 – tháng 8/2016.
Hay rõ ràng hơn, Chủ tịch HĐQT BCA ông Phạm Bá Phú (SN 1983) từng có hơn một thập kỷ công tác tại TM Thái Hưng ở các vị trí như Tổ trưởng tổ hàng hóa nhập khẩu rồi đến phó trưởng phòng xuất nhập khẩu.
Chưa dừng lại tại đó, dấu ấn của Thái Hưng tại BCA còn được thể hiện qua nhiều nghiệp vụ tài chính khác.
Giai đoạn 2020-quý I/2025, BCA liên tục phát sinh các khoản phải trả nhà cung cấp với TM Thái Hưng với giá trị hàng trăm tỷ đồng, như năm 2021 đạt 247,5 tỷ đồng còn năm 2020 là 290 tỷ đồng. Sang năm 2023 là khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 186,7 tỷ đồng, năm 2024 đạt 205,2 tỷ đồng sau đến cuối quý I/2025 là hơn 585 tỷ đồng – con số cao nhất trong hơn 5 năm trở lại đây.
Chiều ngược lại, BCA cuối năm 2024 cũng có khoản phải thu ngắn hạn 29,6 tỷ đồng với Công ty TNHH Thương mại Thái Hưng – thành viên thuộc Thái Hưng Group, song khoản mục này không còn xuất hiện trên BCTC quý I/2025.
Ngoài ra, BCA cuối quý I/2025 cũng ghi nhận phải thu ngắn hạn 370,8 tỷ đồng với TM Thái Hưng; 91,4 tỷ đồng với Công ty TNHH Nasteel Vina – pháp nhân liên hệ với Thái Hưng…
Ngoài ra, BCA cũng từng ghi nhận phải thu ngắn hạn hơn 443 tỷ đồng với CTCP Đầu tư Le Mont trong năm 2023, khoản phải thu này đã được Le Mont trả hết trong năm 2024.
Le Mont là pháp nhân được thành lập vào tháng 7/2020, trụ sở đặt tại Khu đô thị Crown Villas tỉnh Thái Nguyên. Đây là dự án bất động sản đầu tiên được Thái Hưng đầu tư vào năm 2018. Dự án có quy mô hơn 35 ha, tổng mức đầu tư là 2.100 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Le Mont là bà Lê Thị Hồng Hạnh – con đẻ bà Nguyễn Thị Vinh, bà là Thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc TM Thái Hưng (từ tháng 5/2015 – nay).
Chưa kể, BCA đến cuối quý I/2025 còn có khoản phải trả người bán gần 33,3 tỷ đồng với CTCP Thương mại & Khai thác Khoáng sản Dương Hiếu (UPCOM: DHM), con số này giảm đáng kể so với mức 203,8 tỷ đồng đầu năm 2025; phát sinh khoản phải trả mới 79,2 tỷ đồng trong quý I với CTCP Đầu tư Eco Valley Việt Nam (bên liên hệ khác với nhóm Thái Hưng); 16,9 tỷ đồng với Công ty TNHH Nasteel Vina; 109,4 tỷ đồng với CTCP Gang thép Thái Nguyên (TM Thái Hưng nắm 20% vốn)…
Theo tính toán, BCA cuối quý I/2025 ghi nhận 824 tỷ đồng phải trả ngắn hạn với các pháp nhân liên quan/liên hệ đến Thái Hưng, tức chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn BCA.
Trước đó trong các năm từ 2020 - 2022, BCA cũng liên tục đầu tư vào cổ phiếu của Dương Hiếu và đến cuối năm 2024 nắm gần 9,8 tỷ đồng giá gốc cổ phiếu DHM. Hướng ngược lại, Dương Hiếu cũng rót 2,35 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu BCA.
Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật hiện nay của Dương Hiếu là bà Nguyễn Thị Dung, người đồng thời từng là Phó Tổng giám đốc Thái Hưng và từng là Thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc BCA.
Ở chi tiết đáng chú ý khác, năm 2014, BCA đã tạm dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất phôi thép và từ năm 2016 đến nay cho Thái Hưng thuê dây chuyền này để làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng với giá cho thuê thỏa thuận tối đa bằng 3,5% giá trị tài sản định giá được ngân hàng chấp thuận. Điều này được lãnh đạo BCA khẳng định không ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của công ty song đây là vấn đề liên tục được kiểm toán nhấn mạnh trong các năm qua.
PV