Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tiết lộ hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc nắm giữ 53% cổ phần của VNG Limited

Hà Thị Lưu Luyến

Hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc là Tencent và Ant sẽ sở hữu gần 73 triệu cổ phiếu hạng A, tương đương 53,1% lợi ích kinh tế của VNG Limited. Dù vậy, hai nhà sáng lập Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải mới thực sự nắm quyền biểu quyết.

CTCP VNG (mã VNZ) vừa thông báo về việc cổ đông lớn nhất là VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).

VNG Limited dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.

Theo cấu trúc sở hữu được nêu trong bản cáo bạch, VNG Limited sẽ là công ty mẹ nắm quyền kiểm soát của CTCP VNG bao gồm 49% cổ phần sở hữu trực tiếp và 21,3% cổ phần sở hữu gián tiếp thông qua thỏa thuận với CTCP Công nghệ BigV. Do đó, VNG Limited khẳng định có toàn bộ quyền kiểm soát về mặt kinh tế đối với VNG trước khi IPO.

VNG Limited có trụ sở chính tại Cayman, mới được thành lập ngày 1/4/2022. Toàn bộ số cổ phiếu VNZ mà VNG Limited nắm giữ là nhận chuyển giao từ các cổ đông nước ngoài hiện hữu của VNG tại thời điểm đó.

Theo hồ sơ gửi SEC, VNG Limited phát hành 2 loại cổ phiếu hạng A (nắm 100% lợi ích kinh tế nhưng chỉ giữ 49% quyền biểu quyết) và cổ phiếu hạng B (không có lợi ích kinh tế nhưng có 51% quyền biểu quyết), mỗi cổ phiếu loại B tương đương 10 quyền biểu quyết.

tiet-lo-hai-tap-doan-cong-nghe-trung-quoc-nam-giu-53-co-phan-cua-vng-limited-1692883362.png
Cơ cấu cổ đông và quyền biểu quyết dự kiến sau IPO của VNG Limited. Nguồn: SEC

Theo hồ sơ tiết lộ, sau khi kết thúc đợt chào bán, hai nhà sáng lập VNG là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải vẫn sẽ nắm kiểm soát tại VNG Limited với 51% quyền biểu quyết. Trong đó, ông Minh nắm 12,6 triệu cổ phiếu loại B, tương đương 45% quyền biểu quyết; còn ông Khải nắm 1,68 triệu cổ phiếu, tương đương 6% quyền biểu quyết.

Danh sách những cổ đông chủ chốt sở hữu cổ phiếu hạng A của VNG Limited đều là những tập đoàn hàng đầu tại châu Á.

Đầu tiên phải nói tới Tencent - gã khổng lồ trò chơi trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc, là cổ đông ngoại lớn nhất của VNG Limited khi nắm giữ 65,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 23,2% quyền biểu quyết. Số cổ phần này được nắm giữ thông qua Tenacious Bulldog Holdings Limited (43 triệu cổ phiếu) và Prosperous Prince Enterprises Limited (14,5 triệu cổ phiếu). Ngoài ra, Tencent dự kiến có thêm 7,5 triệu cổ phiếu nữa sau khi kết thúc đợt chào bán.

Thứ hai là GIC với 15,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,4% quyền biểu quyết. Số cổ phiếu này được sở hữu thông qua Gamvest Pte. Ltd - doanh nghiệp thành lập năm 2007 có trụ sở tại Singapore.

Thứ ba là Seletar Investments Pte Ltd., nắm hơn 9,4 triệu cp, tương đương 3,4% quyền biểu quyết. Seletar là công ty con của quỹ Temasek Capital (Private) Limited – doanh nghiệp trực thuộc cơ quan đầu tư chính phủ Temasek Holdings của Singapore.

Cuối cùng là Ant Group – tập đoàn công nghệ của Trung Quốc từng thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma. Ant Group nắm gần 7,8 triệu cp (tương đương 2,8% quyền biểu quyết) thông qua Ant International Technologies (Hong Kong) Holding Limited.

Như vậy, Tencent và Ant sẽ sở hữu gần 73 triệu cổ phiếu hạng A, tương đương 53,1% lợi ích kinh tế của VNG Limited.

tiet-lo-hai-tap-doan-cong-nghe-trung-quoc-nam-giu-53-co-phan-cua-vng-limited-2-1692883447.jpg
Ông Lê Hồng Minh (trái) và ông Vương Quang Khải mới là những người nắm quyền biểu quyết chủ chốt tại VNG Limited sau khi IPO.

Có thể thấy, dù sở hữu quá bán về lợi ích kinh tế nhưng 2 tập đoàn công nghệ Trung Quốc chỉ nắm giữ 26% quyền biểu quyết. Với tỷ lệ biểu quyết 51% thì 2 nhà sáng lập Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải vẫn là những người có tiếng nói trọng yếu trong các quyết sách quan trọng của VNG Limited.

Hà Ly (t/h)