Tiêu dùng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Xu hướng thanh toán đang dịch chuyển rõ rệt từ tiền mặt sang phi tiền mặt, mang lại nhiều tiện lợi cho cuộc sống đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng.
Khi nhắc đến Việt Nam, chúng ta thường nhớ tới quốc gia này như một điểm đến hấp dẫn của đầu tư, một cứ điểm sản xuất quan trọng trong khu vực, một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu... Tuy nhiên, câu chuyện về Việt Nam không chỉ xoay quanh "thu hút FDI và xuất khẩu". Đó còn là câu chuyện đầy hứa hẹn về tiêu dùng.
Tiềm năng khó cưỡng của thị trường tiêu dùng
Chúng tôi vẫn luôn lạc quan về tiềm năng của thị trường tiêu dùng của Việt Nam – một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Với dân số trăm triệu người và GDP trên đầu người được S&P dự báo sẽ tăng lên 4.500 USD vào cuối năm 2024, Việt Nam cho thấy tiềm năng dài hạn để trở thành một ngôi sao sáng về tiêu dùng.
Tầng lớp trung lưu không ngừng gia tăng giúp Việt Nam sẵn sàng lọt vào top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030, vượt cả Đức lẫn Vương quốc Anh theo nghiên cứu của HSBC Global Research. Nghiên cứu này cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia dẫn đầu châu Á về tốc độ phát triển thị trường tiêu dùng nhanh nhất trong thập kỷ này (2021-2030). Tầng lớp trung lưu cao (với thu nhập cá nhân trong khoảng 50-110 USD/ngày) được kỳ vọng sẽ gia tăng với tốc độ bình quân 17%/năm tới năm 2030.
Trong bối cảnh các hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, tiêu dùng vẫn là một trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Đặc biệt, tiêu dùng song hành cùng xu thế số hóa khiến thương mại điện tử ở Việt Nam đạt quy mô thị trường 20,5 tỷ USD năm 2023 đạt, tăng 25% so với năm trước theo báo cáo của Bộ Công thương. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20% theo báo cáo e-Conomy SEA 2023. Xét về tổng giá trị giao dịch (gross merchandise value – GMV), Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia.
Thanh toán tiêu dùng thay da đổi thịt
Sự phát triển của tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử, kéo theo sự bùng nổ của các phương tiện thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán tiện lợi, an toàn của người dân. Việt Nam từng là một quốc gia sử dụng tiền mặt phổ biến nhưng giờ đây, ở các đô thị, người dân có thể trải qua một ngày không dùng tiền mặt khi hầu hết giao dịch đều có thể tiến hành bằng nhiều phương tiện như thẻ, chuyển khoản nhanh, quét mã QR...
Có thể thấy thanh toán không tiền mặt đang hiện diện trong mọi hoạt động tiêu dùng, từ đặt vé máy bay, khách sạn đến mua hàng hóa ngoài chợ truyền thống, từ thanh toán tự động hóa đơn điện nước đến mua đồ ăn vặt ở vỉa hè. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến năm 2023, Việt Nam có hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động. Số lượng thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng trưởng lần lượt ở mức 52% và 103,2%. Thanh toán qua phương thức mã QR tăng hơn 170%.
Tuy không tăng trưởng phi mã như vậy, phương thức thanh toán bằng thẻ cũng đang dần tăng tốc trong bối cảnh người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán này ngày càng nhiều. Số liệu của Global Data cho thấy số lượng thanh toán bằng thẻ ở Việt Nam đã tăng trưởng trong giai đoạn 2019-2023 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 27,2%.
Trong số các loại thẻ, thẻ tín dụng tuy chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng cũng đang dần trở nên phổ biến hơn. Tính đến năm 2023, tỷ lệ phổ biến thẻ tín dụng ở Việt Nam đạt 27 thẻ/100 người dân, cho thấy tiềm năng bỏ ngỏ còn khá lớn. Thẻ tín dụng là một sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển mảng cho vay không bảo đảm của các ngân hàng bởi số lượng và giá trị giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng cao hơn hẳn thẻ ghi nợ.
Được trang bị nhiều tính năng đa dạng, hình thức có thể là thẻ vật lý hay thẻ ảo, bản chất của thẻ tín dụng là một phương thức "mua trước, trả sau". Hiện tại, khái niệm "mua trước, trả sau" không chỉ gói gọn trong phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nhiều hình thức "mua trước, trả sau" xuất hiện sau này, chẳng hạn như mua trả góp hay mua trước trả sau qua ví điện tử, góp phần tạo ra sự dịch chuyển lớn về hành vi tiêu dùng, đặc biệt đối với nhóm Millennials và Gen Z. Thế hệ trẻ trẻ dễ dàng đón nhận xu hướng này bởi họ ưa chuộng những giải pháp tài chính rõ ràng minh bạch về phí, linh hoạt, tiện lợi giúp họ kiểm soát chi tiêu.
Có thể thấy, với sự tiến bộ vũ bão của công nghệ, thanh toán không tiền mặt ngày càng đa dạng và phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Điều quan trọng là nhà nước và doanh nghiệp cần chung tay đẩy mạnh xu thế này thông qua nâng cấp hệ thống hạ tầng thanh toán, mở rộng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, hạn chế tội phạm tài chính. Bản thân người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức về tài chính, công nghệ để tận dụng những lợi thế từ các phương thức thanh toán mới cho bản thân để trở thành những người tiêu dùng thông thái, thanh toán thông minh.
Tác giả: Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính Cá nhân, HSBC Việt Nam