Tiêu thụ tăng gấp 4 lần năm ngoái, khu vực này “vượt mặt” Tp.HCM vươn lên dẫn top ở loại hình nhà phố, biệt thự
Long An và Bình Dương là 2 địa phương chiếm tỉ trọng tiêu thụ nhà phố, biệt thự lớn nhất thị trường phía Nam trong quý 1/2025, theo báo cáo của DKRA Consulting.
Theo đơn vị này, trong quý vừa qua, phân khúc nhà phố - biệt thự Tp.HCM và vùng phụ cận ghi nhận tín hiệu khởi sắc cả về nguồn cung lẫn sức cầu. Trong khi nguồn cung tăng 7% thì lượng tiêu thụ tăng gấp 4 lần cùng kì năm ngoái. Trong đó, lượng tiêu thụ gần như tập trung ở hai địa phương là Bình Dương và Long An với tỷ trọng đạt lần lượt là 41% và 40%.
Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng trung bình 6% so với quý trước; giá thứ cấp tăng 8% - 12% so với cuối năm 2024. Nguồn cung nhà phố, biệt thự tại Tp.HCM duy trì khan hiếm, trong khi khu đô thị vệ tinh lân cận tiếp tục "vượt mặt" về các chỉ số.

Mặt bằng giá nhà phố, biệt thự tại Tp.HCM đã cao thúc đẩy nhu cầu về khu vệ tinh lân cận. Nguồn: DKRA Consulting.
Báo cáo quý 1/2025 của CBRE Việt Nam cũng chỉ ra, giá sơ cấp thị trường nhà phố biệt thự Tp.HCM đạt 305 triệu đồng/m2. Nguồn cung khu trung tâm khan hiếm đã thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sang khu vực lân cận, nơi có mặt bằng giá thấp hơn.
Theo đại diện CBRE Việt Nam, trong những năm gần đây, mô hình khu đô thị tích hợp nằm tại khu vực vệ tinh Tp.HCM ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, các dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư sát sao và đẩy nhanh tiến độ đã hỗ trợ xu hướng dịch chuyển của người mua.
Ở các khu đô thị tích hợp vùng ven, không chỉ có sự đa dạng về tiện ích mà còn thường được quy hoạch kỹ lưỡng về mặt hạ tầng giao thông, với mục tiêu giảm thiểu tắc nghẽn và cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân.
Trong đó, khu vực phía Tây Tp.HCM như Q.Tân Phú (Tp.HCM), tỉnh Long An tập trung các dự án quy mô do các chủ đầu tư lớn phát triển ghi nhận nhiều hoạt động tích cực. Lượng giao dịch đặt chỗ sôi động. Theo CBRE, dự kiến thị trường nhà ở khu Tây TP.HCM trong các quý tiếp theo sẽ tiếp tục sôi động.

Sự phát triển hạ tầng giao thông đang thúc đẩy quá trình mở rộng không gian đô thị sang khu vực lân cận Tp.HCM.
Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đang thúc đẩy quá trình mở rộng đô thị ra các khu vực ngoại thành và tỉnh lân cận Tp.HCM. Về giao thông khu Tây, theo CBRE, Bến Lức là đầu mối của nhiều tuyến giao thông huyết mạch kết nối liên vùng như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt (TP.HCM) với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, metro Bến Thành - Tân Kiên… Đây cũng là lý do giúp khu vực này trở thành đích ngắm của nhiều "ông lớn" bất động sản.
Theo các chuyên gia trong ngành, công cuộc dịch chuyển không gian đô thị sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Không gian đô thị Tp.HCM đã không ngừng mở rộng nhờ các công trình hạ tầng quan trọng.
Giai đoạn từ 1997 đến 2025, khu Nam phát triển mạnh với trục Nguyễn Văn Linh. Khu Đông bứt phá nhờ Đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm và cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Những tuyến đường đã làm thay đổi diện mạo Thủ Thiêm và vùng lân cận.
Xu hướng mở rộng không gian đô thị vẫn tiếp tục diễn ra vào giai đoạn 2025-2030. Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ mở rộng và chuyển trục sang khu vực phía Tây. Trong đó, Long An đang đón làn sóng dịch chuyển này. Với mật độ dân cư trung tâm Tp.HCM đang quá tải, hơn 30.000km2/người thì xu hướng giãn dân là tất yếu. Người dân sẵn sàng dịch chuyển đến những nơi trong lành, hạ tầng kết nối tốt và giá bất động sản phù hợp.
Tiểu Bảo