Tim Cook hết ý tưởng, suốt 13 năm không tạo ra sản phẩm nào chấn động như iPhone khiến tương lai Apple ảm đạm chưa từng có
Áp lực luôn đè nặng lên vai người kế nhiệm Tim Cook, rằng “điều lớn lao tiếp theo” của Apple sẽ là gì?
Khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1997 sau 12 năm gián đoạn, công ty lúc đó đang rơi tự do, đứng bên bờ vực phá sản và phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường máy tính. Jobs ngay lập tức thực hiện cải tổ, tái tập trung toàn công ty.
Một năm sau, chiến lược của ông phát huy tác dụng. iMac được cho ra mắt thị trường và thiết kế sống động của nó ngay lập tức đi vào lịch sử. iPod xuất hiện vào năm 2001, nâng tầm không gian máy nghe nhạc cá nhân và phổ biến iTunes.
iPhone có lẽ là sản phẩm thành công nhất của Apple sau khi đưa tập đoàn này lên tầm cao mới và thúc đẩy loạt hoạt động kinh doanh phụ, trong đó có cả App Store. Thời điểm Jobs qua đời vào năm 2011, Apple đã trở thành tập đoàn công nghệ giá trị nhất thế giới.
Lần ra mắt thiết bị lớn cuối cùng của Apple diễn ra vào 9 năm trước. Trong cùng khoảng thời gian, Steve Jobs đã đưa iPod, iPhone và iPad đến với thế giới - những sản phẩm được cho là có sức ảnh hưởng chấn động toàn ngành.
Chính vì vậy, áp lực luôn đè nặng lên vai người kế nhiệm Tim Cook, rằng “điều lớn lao tiếp theo” của Apple sẽ là gì. Câu hỏi này luôn thường trực, ngay cả khi mảng kinh doanh dịch vụ sinh lời giúp cổ phiếu Apple tăng lên gấp 15 lần kể từ khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011.
CEO Tim Cook tập trung chủ yếu vào con số thay vì thiết kế. Dưới thời của ông, giá cổ phiếu Apple tăng vọt còn các nhà đầu tư hài lòng với việc mua vào với giá cao vót để được nhận cổ tức hàng quý. Tuy nhiên, ngoài Apple Watch - sản phẩm đã được phát triển trước khi Steve Jobs qua đời, tập đoàn vẫn chưa thể tạo ra sản phẩm nào gây chấn động thế giới.
Tim Cook tận dụng tối đa thành công từ kỷ nguyên Steve Jobs, song sau 1 thập kỷ làm như vậy, doanh số iPhone chậm lại, doanh thu giảm và tập đoàn này một lần nữa phải tìm ra điều lớn lao tiếp theo.
Ngành công nghệ tràn ngập những công ty mới nổi hiểu biết. Những gã khổng lồ Thung lũng Silicon, trong đó có Google và Meta, không biến mất nhưng chẳng còn nắm giữ nhiều quyền lực hay hình ảnh như xưa. Apple cũng không ngoại lệ. Chiến lược tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn thay vì dài hạn của Cook đang phủ bóng đen lên tương lai Apple.
iPhone là cỗ máy kiếm tiền của Apple song vào năm 2017, sau khi Apple tiếp quản thị trường Mỹ, doanh số bán hàng bắt đầu chững lại. Điện thoại đủ tốt để mọi người không cần nâng cấp thường xuyên. Tốc độ tăng trưởng ở các thị trường đang phát triển cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Năm sau đó, Apple ngừng công bố số lượng điện thoại bán ra, thay vào đó tập trung vào doanh thu. Không thể thu hút nhiều người mua như trước, tập đoàn bắt đầu tính phí nhiều hơn cho điện thoại và iPad thông qua các phiên bản cao cấp. Chính sách này có hiệu quả trong một vài năm, nhưng sang đến 2022 thì chính thức mất tác dụng.
Vào năm 2023, doanh thu tiếp tục giảm. Triển vọng riêng của Apple cho thấy tình trạng bán iPhone yếu kém sẽ tiếp tục kéo dài, nhất là khi thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Vụ kiện chống độc quyền gần đây của Bộ Tư pháp cho thấy thành công của Apple một phần bắt nguồn từ hệ sinh thái bền chặt. Từ bỏ iPhone, người dùng sẽ mất các giao dịch mua trên App Store và quyền truy cập tính năng độc quyền như iMessage. Tại châu Âu, các nhà lập pháp đang tập trung phá vỡ sự độc quyền của App Store, đảm bảo các ứng dụng và cửa hàng bên thứ ba có thể được tải lên thiết bị Apple. Nếu điều đó xảy ra, doanh thu mà Apple nhận được từ các giao dịch trên App Store sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đáp lại, Apple lên kế hoạch đấu tranh mạnh mẽ với vụ kiện tại Mỹ, đồng thời cố gắng giảm thiểu tối đa tác động của các quy định EU lên dịch vụ kinh doanh.
Trong cuốn sách “Hậu Steve”, Tripp Mickle mô tả cách Tim Cook tập trung tăng giá cổ phiếu và hiệu quả hoạt động của Apple với việc ông luôn tiết kiệm tiền cho công ty. Vị CEO này nắm quyền kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, đồng thời là nhân vật có công trong việc thiết lập cơ chế trốn thuế cho Apple. Sau khi tiếp quản, Cook dần kiểm soát đội ngũ thiết kế hùng mạnh, cuối cùng khiến đồng minh của Jobs, Jony Ive, giám đốc thiết kế, rời công ty vào năm 2019.
Những hạn chế của việc Tim Cook thoái vốn khỏi hoạt động thiết kế và phát triển sản phẩm giờ đây đã trở nên rõ ràng. Ngay trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến hai thất bại lớn: Đầu tiên là kính thực tế ảo Vision Pro, thứ hai là dự án xe điện.
Về cốt lõi, Apple là một công ty phần cứng nhưng Tim Cook lại không thể đưa một sản phẩm khác có quy mô gây chấn động thị trường lên kệ. Các chuyên gia tin rằng tình trạng chia rẽ nội bộ và thiếu quyết đoán của ban quản lý chính là hai trong số
những lý do khiến các dự án rơi vào tình trạng lấp lửng trong nhiều năm.
Các nhà đầu tư không quá thất vọng vì Apple đã tăng tỷ suất lợi nhuận ngay cả khi hãng này đang gặp khó khăn trong việc tăng doanh thu. Tuy nhiên nếu nhìn xa hơn, tương lai tập đoàn còn lâu mới chắc chắn.
Apple hiện đang chuyển hướng sang AI, chiêu mộ nhân viên từ dự án ô tô sang trí tuệ nhân tạo đồng thời lên kế hoạch kết hợp AI vào các bản phát hành phần mềm iPhone, iPad và Mac. Tuy nhiên, đúng là AI có thể thu hút sự quan tâm ngắn hạn của các nhà đầu tư song khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn về lợi nhuận.
“Họ đang sẵn sàng thực hiện một số hoạt động M&A quan trọng. Thật sốc nếu Apple không thực hiện một thỏa thuận lớn nào đó về AI trong năm nay. Đang có một cuộc chạy đua và Apple chắc chắn sẽ không đứng ngoài”, Daniel Ives tại Wedbush Securities cho biết.
Theo: BI, Financial Times