Tin vui: Chính phủ dồn lực cho vay người nghèo - Vốn vay sẽ nhiều hơn, thủ tục đơn giản hơn

Chính phủ phấn đấu đến 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 30% tổng nguồn vốn.

Tin vui: Chính phủ dồn lực cho vay người nghèo - Vốn vay sẽ nhiều hơn, thủ tục đơn giản hơn - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1560/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Cụ thể, theo Quyết định, các bộ, ngành tiếp tục tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước vào Ngân hàng Chính sách xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 30% tổng nguồn vốn.

Báo cáo cấp có thẩm quyền nâng hạn mức trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn này chiếm 30% tổng nguồn vốn. Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn hoạt động trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Các bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Tiếp tục quy định về việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước.

Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền địa phương các cấp tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phấn đấu hàng năm chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn.

Quyết định yêu cầu ngân hàng Chính sách xã hội đơn giản hóa trình tự, thủ tục vay vốn, phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, hiện đại hóa công tác quản trị điều hành.

Quyết định nêu rõ: Các bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình tín dụng chính sách, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách để phục vụ tốt hơn cho đối tượng chính sách.

Phan Trang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT