Tin vui cho người dân Gia Lai: Chỉ hơn 2 tháng nữa, tuyến cao tốc 44.000 tỷ xuyên qua 3 con đèo hiểm, kết nối Tây Nguyên và Duyên hải Trung bộ sẽ khởi công
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với quy mô gần 44.000 tỷ đồng dự kiến khởi công từ tháng 10/2025.
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai cũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị: Để triển khai thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thi công dự án, mỗi xã, phường cần thành lập hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng.
UBND các xã, phường cần sớm phê duyệt giá đất cụ thể để tiến hành bồi thường, phù hợp với điều kiện, thực tế, phương pháp triển khai của mỗi địa phương.
Đồng thời, UBND các xã cần tiến hành quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt trước khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và dân dụng tỉnh, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cần phối hợp với UBND các xã, phường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong người dân đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, các đơn vị tính toán cụ thể về vấn đề tái định cư theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; tiến hành quy hoạch các khu tái định cư của dự án.
Vị này đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường cần chuẩn bị sẵn sàng các mỏ vật liệu phục vụ dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Trung bộ.
Dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.
Tuyến cao tốc dự kiến có tổng chiều dài 125 km, điểm đầu tại quốc lộ 19B thuộc địa phận phường An Nhơn Bắc, điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận phường Hội Phú. Tuyến cao tốc gồm 8 nút giao, 3 công trình hầm vượt đèo An Khê và đèo Mang Yang, 74 công trình cầu.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, dự kiến khởi công từ tháng 10/2025 và hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2029. Dự án có nhu cầu sử dụng đất khoảng 942,15 ha, trong đó dự kiến diện tích đất trồng lúa khoảng 189,92 ha, đất rừng cần chuyển sang mục đích khác để thực hiện dự án khoảng 257,35 ha, các loại đất khác là 494,88 ha.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ) triển khai một phần của dự án thành phần 2 (đoạn km22+000-km90+000) và toàn bộ dự án thành phần 3 (đoạn km90+000-km125+000), đi qua các xã: Cửu An, Ya Hội, Đăk Pơ, Hra, Lơ Pang, Mang Yang, Kdang, Đak Đoa, Ia Băng và các phường: An Bình, Hội Phú.
Dựa trên thống kê trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ) có 221 hộ dân có công trình nhà ở, công trình trên đất bị ảnh hưởng, cần thực hiện tái định cư.
Dương Dương