Tỉnh đứng đầu miền Trung về hút vốn FDI có thêm khu công nghiệp quy mô 540 ha

Với quy mô 540 ha, đây sẽ là khu công nghiệp mới lớn nhất tại Thanh Hóa, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; sau KCN Bỉm Sơn 566 ha và KCN Sao Vàng 550 ha đã quy hoạch, đi vào hoạt động.

Tỉnh đứng đầu miền Trung về hút vốn FDI có thêm khu công nghiệp quy mô 540 ha- Ảnh 1.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp Phú Quý, nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Hoằng Hóa.

KCN thuộc địa giới hành chính 7 xã Hoằng Kim, Hoằng Trinh, Hoằng Sơn, Hoằng Quý, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát và Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa.

Phía Bắc giáp đường hiện trạng tiếp đến là đất sản xuất nông nghiệp xã Hoằng Trinh, Hoằng Kim. Phía Nam giáp đường giao thông Quỳ Xuyên và cụm công nghiệp Phú Quý. Phía Tây giáp hành lang an toàn đường sắt, tiếp đến là Quốc lộ 1. Phía Đông giáp đất nông nghiệp các xã: Hoằng Sơn, Hoằng Xuyên và Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa.

Diện tích lập quy hoạch khoảng 540 ha. Với quy mô này, đây sẽ là khu công nghiệp mới lớn nhất tại Thanh Hóa, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; và chỉ nhỏ hơn KCN Bỉm Sơn 566 ha và KCN Sao Vàng 550 ha đã quy hoạch, đi vào hoạt động.

KCN có chức năng là khu công nghiệp đa ngành, trong đó ưu tiên công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí, ô tô; công nghiệp dược; công nghiệp thực phẩm… Dự báo lao động trong Khu công nghiệp khoảng 36.000 - 58.500 người.

Mới đây, Thanh Hóa cũng phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, quy mô 350 ha. 

Về thu hút FDI tại tỉnh, trong tháng 4/2024, Thanh Hóa đã thu hút 8 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 4 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 126,6 tỷ đồng và 115 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, tỉnh này đã thu hút được 38 dự án, trong đó có 10 dự án FDI. Với số lượng dự án trên đã tăng gấp 2 lần, so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký khoảng 3.666 tỷ đồng và 177 triệu USD.

Đáng chú ý, năm 2023, Thanh Hóa có mặt trong top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước, đứng thứ 8 sau các đầu tàu kinh tế là TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và Bắc Ninh. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 14,625 tỷ USD.

Ngoài ra, năm 2023, Thanh Hóa cũng là tỉnh có khoản thu tăng mạnh so với trước đây, đứng thứ 7 cả nước về thu ngân sách, vượt dự toán 16,6%, với số thu đạt 41.200 tỷ đồng. Đây cũng là tỉnh miền Trung duy nhất góp mặt trong top 10 cả nước về thu hút FDI và thu ngân sách năm 2023.

Ngoài 2 chỉ tiêu kinh tế trên, năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa cũng đứng thứ 3 cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 7,01% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 73 triệu đồng, tương đương 3.067 USD.

Các chỉ tiêu kinh tế khác chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,79% so với năm 2022; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng tới 15,46%, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 53,08%...

Thanh Hóa có hơn 3,73 triệu người, là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam, sau Thủ đô Hà Nội và TP HCM. Dân số tăng 17.400 người so với năm 2022, tốc độ tăng dân số đạt 0,47%. Dân số trong độ tuổi lao động 2,5 triệu người, có trình độ văn hóa, chuyên môn cao phù hợp nhiều lĩnh vực, ngành nghề: chế biến, cơ khí, chế tạo, điện, điện tử,...

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT