Tỉnh nhỏ bé định hướng lên thành phố trực thuộc TW đứng top đầu cả nước về thu ngân sách nội địa, tăng trưởng xuất nhập khẩu
Nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh sát vách Hà Nội có tăng trưởng tích cực trong năm qua.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy địa phương có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Với diện tích 1.371 km2, Vĩnh Phúc là tỉnh nhỏ thứ 4 cả nước.
Theo Nghị quyết số 43/NQ-HĐND về Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo đó, giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ phát triển kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế trí thức, là động lực phát triển trong vành đai công nghiệp Bắc Giang -Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, là trung tâm sản xuất ô tô xe máy lớn nhất cả nước và cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, sạch đẹp, kiến trúc độc đáo mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và đáng sống vào đầu những năm 2030.
Đứng top đầu cả nước về thu ngân sách nội địa và tăng trưởng xuất nhập khẩu
Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh, năm 2023, tốc độ tăng GRDP của Vĩnh Phúc tăng 2,37%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,29%; khu vực công nghiệp xây dựng giảm 0,34%; khu vực dịch vụ tăng 8,61%. Quy mô GRDP tỉnh năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 158.010 tỷ đồng; tăng 4,94 nghìn tỷ đồng; tương đương tăng 3,23% so với năm 2022.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 31.218 tỷ đồng. Đặc biệt, với số thu nội địa ước đạt gần 26.000 tỷ đồng đã đưa tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong 8 địa phương có số thu ngân sách nội địa cao nhất của cả nước.
Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của tỉnh đạt hơn 31,24 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022 - là 1 trong 10 tỉnh có tăng trưởng xuất nhập khẩu cao nhất cả nước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 16,82 tỷ USD, tăng 6,45% so với năm 2022; nhập khẩu hàng hóa ước đạt xấp xỉ 14,4 tỷ USD tăng 0,06% so với cùng kỳ năm 2022, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị, giải quyết việc làm, góp phần đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 130,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,63 triệu đồng/người và tăng 2,05% so với năm 2022.
Năm 2023, Vĩnh Phúc đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư mới. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 604 triệu USD, tăng 21% so với năm 2022, vượt hơn 40% kế hoạch đề ra; thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt trên 20,6 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022, vượt hơn 4 lần kế hoạch năm.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 1.292 dự án, trong đó có 460 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD và 832 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 140,4 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy hoạch với tổng diện tích hơn 5.487ha. Trong đó 16 KCN đã có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch là gần 3.157ha; 8 KCN đã đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 18 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập với tổng diện tích 376,3 ha, trong đó 13 CCN đã giao chủ đầu tư, 11 CCN đi vào hoạt động với diện tích là 322,53 ha, thu hút 555 dự án, giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động.
Năm 2024, dự kiến có thêm 3 KCN đi vào hoạt động gồm: KCN Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 156,76 ha, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II – giai đoạn 1) quy mô 145,27ha, KCN Sông Lô II quy mô 165,65ha. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này đánh giá, đây là cơ hội tốt để tỉnh thu hút các nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp tại Vĩnh Phúc.