Tỉnh sát vách Hà Nội định hướng lên thành phố năm 2050: Sẽ có 2 cao tốc, 3 quốc lộ chạy qua, 2 đường sắt nối với đô thị Hà Nội và sân bay Nội Bài

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tầm nhìn đến năm 2050 Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Phúc. Quy hoạch đóng vai trò định hình không gian phát triển của Vĩnh Phúc trong mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng miền núi và trung du phía bắc, vùng Thủ đô Hà Nội.

Từ đó, mở ra những cơ hội mới để đưa Vĩnh Phúc phát triển trở thành một trong những cực phát triển, là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại và chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hơn. Các ngành kinh tế dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng từ 10,5 -11,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Cụ thể, việc xây dựng đường bộ Quốc gia qua tỉnh được thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 5 - vùng Thủ đô, quốc lộ 2, quốc lộ 2C, quốc lộ 2D,…

Với đường địa phương, quy hoạch các tuyến đường tỉnh đạt tối thiểu cấp III, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt. Với các tuyến đường huyện, nâng cấp các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V.

Tỉnh sát vách Hà Nội định hướng lên thành phố năm 2050: Sẽ có 2 cao tốc, 3 quốc lộ chạy qua, 2 đường sắt nối với đô thị Hà Nội và sân bay Nội Bài- Ảnh 1.

Tỉnh cũng sẽ phát triển các bến xe khách, bãi đỗ xe tại các trung tâm huyện, thành phố, thị trấn, khu vực tập trung đông dân cư,… đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Về đường sắt, việc phát triển đường sắt quốc gia được thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có tuyến Hà Nội - Lào Cai và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng mới 2 tuyến đường sắt đô thị của Vĩnh Phúc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, cảng hàng không Nội Bài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có phát triển khu vực Tam Đảo.

Quy hoạch cũng chỉ rõ việc đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có:

- Các tuyến đường thủy nội địa: tuyến Hà Nội - Việt Trì trên sông Hồng; tuyến Việt Trì - Tuyên Quang trên sông Lô.

- Các cảng thủy nội địa: cảng Vĩnh Thịnh; cảng Cam Giá; cảng An Tường; cảng Như Thụy; cảng Đức Bác và cảng khác (cảng Trung Hà, cảng Hồng Châu, cảng Cao Đại trên sông Hồng, cảng Việt Xuân, cảng Sơn Đông, cảng Cao Phong, cảng Hải Lựu trên sông Lô,…).

Việc phát triển cảng cạn thực hiện theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có cảng cạn Hương Canh tại huyện Bình Xuyên, cảng cạn Lập Thạch tại huyện Lập Thạch, cảng cạn Cam Giá tại huyện Vĩnh Tường.

photo-1716250996466

Khu công nghiệp Khai Quang

Về phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch, phát triển mới 5 KCN để đến năm 2030 tỉnh có 24 KCN được quy hoạch.

Nhu cầu phát triển các KCN sau năm 2030 với quy mô 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000 ha, trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

Phương án phát triển CCN, đến năm 2030, Vĩnh Phúc quy hoạch, phát triển mới 31 CCN, đưa tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm; đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 cụm.


Nhã Mi

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT