Tình tiết mới nhất trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tại hãng thép top đầu miền Nam: Dùng 2 nhà máy giá trị gần 7.000 tỷ để góp vốn lập công ty mới, tiền dư hơn 5.000 tỷ thu về đem đi trả nợ

Hiểu một cách đơn giản là Thép Pomina đang bán lại đất đai, nhà xưởng và nhà máy cho nhà đầu tư mới và góp một phần vốn tại công ty mới thành lập, còn lại chủ yếu là thu hồi tiền về để trả nợ.

Trong tờ trình ĐHĐCĐ bất thường vừa cập nhật, CTCP Thép Pomina (mã: POM) đã bổ sung chi tiết hơn về phương án tái cấu trúc toàn diện sẽ đưa ra xin ý kiến cổ đông.

Trước đó vào giữa tháng 2, Thép Pomina lên kế hoạch thành lập pháp nhân mới là CTCP Pomina Phú Mỹ. Pháp nhân này do POM góp vốn bằng hiện vật toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị. Còn nhà đầu tư chiến lược sẽ góp vốn bằng tiền.

Cụ thể hơn, công ty mới có vốn điều lệ khoảng 2.700-2.800 tỷ đồng (40%) và vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng (60%).

Pomina sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ, tương đương 900-1.000 tỷ đồng. Hình thức góp vốn sẽ bằng toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Trong khi đó, nhà đầu tư mới sẽ góp bằng tiền và sở hữu 65% vốn (~1.800 – 1.900 tỷ đồng).

Với kế hoạch này, Pomina sẽ chấm dứt đăng ký kinh doanh của 2 đơn vị Pomina 1 và Pomina 3. Trong khi CTCP Pomina Phú Mỹ được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina.

Đáng nói, Pomina công bố phần định giá tài sản hai nhà máy dự kiến đưa vào góp vốn với giá trị cao hơn nhiều so với mức vốn góp.

Theo kết quả định giá tài sản của công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản hiện vật của 2 nhà máy dự kiến đưa vào vốn góp thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT 10%), trong đó nhà máy Pomina 1 là 336,4 tỷ đồng và nhà máy Pomina 3 là 6.357,6 tỷ đồng.

Do đó, Pomina kỳ vọng thu hồi lại một khoảng 5.100 - 5.800 tỷ đồng sau khi đã trừ phần vốn góp vào CTCP Pomina Phú Mỹ. Công ty sẽ dùng số tiền thu hồi để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cho các ngân hàng (3.757 tỷ) và khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp (1.343 tỷ).

Hiện thông tin về nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào dự án tái cấu trúc của Pomina vẫn chưa được công bố.

Untitled.png

Như vậy, hiểu một cách đơn giản là Pomina đang bán lại đất đai, nhà xưởng và nhà máy cho nhà đầu tư mới và góp lại một phần vốn, còn lại thu hồi tiền về để trả nợ.

Ngoài ra, phương án tái cấu trúc mới cũng có nhiều điểm khác so với kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nansei (Nhật Bản) từng được công bố rồi bị tạm dừng vào cuối tháng 1/2024. Nếu phát hành cổ phiếu mới, nhà đầu tư chiến lược góp vốn trực tiếp vào Pomina nhưng công ty vẫn nắm quyền kiểm soát. Còn kế hoạch mới nhất, Pomina phải lập pháp nhân mới và nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm giữ phần vốn lớn hơn. Nhà đầu tư chiến lược mới cũng sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với CTCP Pomina Phú Mỹ, không có nghĩa vụ liên quan tới Pomina.

Thép Pomina có trụ sở tại Bình Dương, công ty tập trung ở phân khúc trọng điểm thép xây dựng và tập trung tại thị trường trọng điểm miền Nam.

Theo POM, tiến trình tái cấu trúc mạnh mẽ, đặc biệt có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Công ty. Việc hợp tác chiến lược này sẽ cung cấp nguồn vốn cần thiết để POM khởi động lại lò cao luyên phôi thép.

Dự kiến, POM sẽ vận hành lại lò cao vào quý 4/2024 sau thời gian ngừng hoạt động để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào các tháng cuối năm.

Điều này kỳ vọng sẽ giúp công ty cải thiện tình hình kinh doanh trong bối cảnh Pomina tiếp tục lỗ ròng 960 tỷ đồng trong cả năm 2023, tồn tại nhiều khoản nợ quá hạn, người nhà lãnh đạo liên tục thoái vốn.

Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina đạt 1.271 tỷ đồng, bằng 45% vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn gần 8.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn gần 5.500 tỷ đồng.


Tuệ Giang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT