Tisco bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục dù doanh thu gần 11.700 tỷ

Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên tiếp tục bị đơn vị kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục mặc dù doanh thu là 11.700 tỷ đồng.

s2-1679887466.png
Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên

Sau kiểm toán, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên vừa báo lỗ sau thuế năm 2022 giảm về dưới mức 9 tỷ đồng. Công ty này công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 với doanh thu không đổi (gần 11.700 tỷ đồng) - giảm 1.170 tỷ so với năm trước đó; lỗ sau thuế được điều chỉnh giảm 0,5 tỷ đồng về còn 8,9 tỷ (so với mức lỗ 9,5 tỷ tại báo cáo tự lập).

Theo Kiểm toán, đơn vị không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để có thể đánh giá được ảnh hưởng của các vấn đề đến các khoản mục có liên quan đến báo cáo. Cụ thể, kiểm toán viên dã đưa ra hai vấn đề ngoại trừ:

Thứ nhất, việc đầu tư dự án mở rộng gang thép giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007 đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chauw hoàn thành. Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án. Chính vì vậy, kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề này đến các khoản mục như trả trước cho người bán dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, phải trả cho nhà cung cấp, chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án …

Thứ hai, Tisco được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một số mỏ tại khu vực huyện Đại Từ và Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với tổn số tiền hơn 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tisco chưa thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính theo số tiền được phê duyệt do chưa xác định được số tiền phải điều chỉnh tương ứng cho từng khu vực. Do vậy, đơn vị kiểm toán không thế xác định được ảnh hưởng của vấn đề này đến chỉ tiêu Dự phòng phải trả dài hạn và các chi tiết có liên quan được trình bày  trên báo cáo tài chính của công ty.

Thêm vào đó, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả vượt 4,2 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.416 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán. Lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm 341 tỷ đồng. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề ngoại trừ cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tisco.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959, là khu Công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép. 

Được biết, năm 2022, Tisco lên kế hoạch doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Có thể thấy, thực tế công ty chỉ hoàn thành 58% mục tiêu doanh thu và cách rất xa kế hoạch lợi nhuận. 

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Tisco ở mức 10.184 tỷ đồng trong đó gần 6.275 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang thuộc dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2; hàng tồn kho tăng 22,4% so với đầu năm lên mức 1.766 tỷ đồng (trích lập dự phòng giảm giá 6 tỷ). Tổng nợ phải trả của Tisco ở mức 8.227 tỷ đồng (gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu - chỉ 1.954 tỷ) trong đó nợ vay tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt là 2.899 tỷ đồng và 1.703 tỷ đồng.

Với nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước nói chung, thị trường thép nói riêng còn nhiều khó khăn nên các chỉ tiêu kế hoạch của Tisco trong năm 2023 đặt ra cơ bản chỉ bằng và thấp hơn so với kết quả thực đạt của năm 2022. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 11.342 tỷ đồng; sản xuất và tiêu thụ thép cán 780.000 tấn; tổng doanh thu 15.826 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 38 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT