Toàn cảnh khu vực sắp được xây cầu hơn 3.400 tỷ, biến loạt làng xóm ven sông thành đất mặt tiền ở Hà Nội
Cầu Vân Phúc dự kiến sẽ được khởi công sau 2 tháng nữa. Khi hoàn thành, cầu sẽ kết nối với trục Tây Thăng Long, quốc lộ 32, rút ngắn thời gian vào trung tâm Thủ đô và dễ dàng vượt sông sang Phú Thọ.

Với việc được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, 4 cầu lớn ở Hà Nội sẽ được khởi công trong khoảng tháng 8 đến tháng 10. Trong đó, cầu Vân Phúc dự kiến được khởi công vào dịp 2/9 (cùng đợt với cầu Trần Hưng Đạo).

Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng, kết nối Hà Nội với Phú Thọ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Tổng chiều dài 7,76 km, bắt đầu từ Quốc lộ 32, băng qua đường trục Tây Thăng Long , băng qua các xã Phúc Thọ và xã Phúc Lộc.

Hiện, Hà Nội đang tiến hành chọn nhà thầu để chuẩn bị triển khai. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2027, trở thành trục giao thông liên vùng chiến lược của khu Tây Bắc Thủ đô. Ảnh: Quy hoạch 360.

Theo thiết kế, mặt cầu Vân Phúc rộng 20,5 m, bố trí 4 làn ô tô và 2 làn xe hỗn hợp. Tuyến đường dẫn nối từ quốc lộ 32 cũng được mở rộng tới 32 m, gồm 6 làn xe cùng vỉa hè hai bên.

Khu vực được lựa chọn để xây dựng cầu chủ yếu là đất nông nghiệp và các khu dân cư với mật độ không quá lớn và thiếu hụt hạ tầng để kết nối.

Việc cầu được xây dựng sẽ góp phần kết nối khu vực này với các trục đường lớn nhằm thuận tiện hơn trong việc di chuyển và phát triển hạ tầng cũng như phát triển kinh tế cho khu vực. Ảnh: Quy hoạch 360.

Đặc biệt, những lô đất nằm gần khu vực tuyến đường dẫn cầu, vốn là đồng ruộng và đất vườn trong tương lai sẽ trở thành đất mặt tiền.

Theo khảo sát, giá đất tại một số khu vực như thôn Xuân Phúc, Xuân Đình đang có dấu hiệu tăng. Cũng theo một số hộ dân ở thôn Xuân Đoài, nơi cầu đi qua thì gần đây cũng đã bắt đầu xuất hiện người hỏi mua đất.

Về phía người dân ở khu vực cầu đi qua cũng bày tỏ quan điểm rất ủng hộ đối với dự án cầu Vân Phúc anh Trần Văn Lực một hộ dân ở thôn Xuân Đoài chia sẻ: Bản thân tôi cũng rất ủng hộ việc xây dựng cầu, và mong muốn cầu sớm được triển khai giúp người dân đi lại thuận tiện hơn để kinh tế phát triển cải thiện cuộc sống.

Không chỉ mang ý nghĩa giao thông liên vùng, cầu Vân Phúc còn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích phát triển cho cả vùng ven sông, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho khu vực phía Tây Bắc thủ đô.
Bài và ảnh: Lê Toàn