Tốc độ tăng trưởng của TikTokShop khiến Shopee, Lazada, Tiki 'hít khói', đại diện TikTok Việt Nam tiết lộ bí quyết: 'Trải nghiệm mua hàng được cung cấp trong một điểm đến'

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam lý giải bí quyết tạo lợi thế cạnh tranh cho TikTok, đồng thời, giải đáp các thắc mắc liên quan đến trách nhiệm đóng thuế của nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung trong tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi tham gia kinh doanh thương mại điện tử” sáng 2/8.

Tọa đàm do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Công ty cổ phần Misa tổ chức nhằm cung cấp kiến thức quy định của pháp luật, đồng thời, đưa ra giải pháp về công nghệ để hỗ trợ các hộ kinh doanh, nhà bán hàng đang hoạt động thương mại điện tử đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Theo báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm do Metric công bố, TikTok Shop và Shopee là hai sàn thương mại điện tử tăng trưởng dương, khác biệt so với phần còn lại đang đi lùi là Lazada, Tiki, Sendo.

Cụ thể, TikTokShop ghi nhận tăng trưởng 150% về doanh số và hơn 250% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2023. Con số này gấp hơn hai lần lần mức tăng trưởng 65% về doanh số của Shopee trong nửa đầu năm nay.

Lý giải sự hấp dẫn của sàn thương mại này với người dùng, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho rằng, TikTokShop hiện nay có thể cung cấp trải nghiệm mua hàng trong một điểm đến cho người dùng. Đồng nghĩa, TikTokShop đang được hỗ trợ bởi hệ thống nội dung với các video ngắn, buổi phát trực tiếp khiến hoạt động mua sắm trở mang tính cộng đồng và thú vị hơn.

Tốc độ tăng trưởng của TikTokShop khiến Shopee, Lazada, Tiki 'hít khói', đại diện TikTok Việt Nam tiết lộ bí quyết: 'Trải nghiệm mua hàng được cung cấp trong một điểm đến'- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam.

Bên cạnh các chia sẻ về thị trường thương mại điện tử cùng những giải pháp hỗ trợ nhà bán hàng tăng doanh số, quảng bá nông sản Việt, đại diện TikTok Việt Nam còn giải đáp một số câu hỏi về thuế.

Trước câu hỏi nhà bán hàng phải xử lý sao số tiền thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động tiếp thị liên kết, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, hiện nay, nhà bán hàng có trách nhiệm thay mặt cho nhà sáng tạo kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân của nhà sáng tạo cho cơ quan thuế. Do đó, nhà bán hàng nên liên lạc với nhà sáng tạo để lấy mã số thuế.

Với giải đáp thắc mắc tiền hoa hồng nhà sáng tạo nội dung nhận từ TikTokShop đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân chưa, đại diện TikTok Việt Nam lý giải: "Tiền hoa hồng mà nhà sáng tạo nhận được là số tiền chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (ngoại trừ một số trường hợp nhà bán hàng đã thực hiện khấu trừ và sẽ có thông báo hiển thị trên ứng dụng)".

Theo ông Thanh, trong trường hợp nhà bán hàng thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của nhà sáng tạo, đây là số tiền thuế tạm tính. Theo đó, nhà sáng tạo sẽ có thể phải nộp thêm thuế hoặc được hoàn thuế khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân hằng năm, tùy từng trường hợp cụ thể.

Dưới góc nhìn của chuyên gia đã có hơn 50 năm làm việc trong lĩnh vực thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.

Tuy nhiên, bà Cúc lưu ý, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai. Do đó, nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Đồng thời, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người dùng.

Tốc độ tăng trưởng của TikTokShop khiến Shopee, Lazada, Tiki 'hít khói', đại diện TikTok Việt Nam tiết lộ bí quyết: 'Trải nghiệm mua hàng được cung cấp trong một điểm đến'- Ảnh 2.

Chuyên gia tại tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi tham gia kinh doanh thương mại điện tử”, sáng 2/8.

Dựa trên khó khăn của người dùng, bà Bùi Thị Trang - Giám đốc Khối Nền tảng Kế toán dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA đã giới thiệu về giải pháp công nghệ của MISA dành cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Bà Trang cho biết, bộ giải pháp này có thể kết nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử, đồng bộ dữ liệu vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ nhiều kênh, tích hợp với hóa đơn điện tử… truyền dữ liệu lên Cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác.

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online bị bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Việc rà soát này được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, cơ quan này rà soát, kiểm tra gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Thảo Vân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT