Tồn kho tới 2 tỷ lít, rượu vang 'ế' chưa từng có: Nông dân Úc đau đớn phá bỏ hàng triệu cây nho, càng trồng càng lỗ, có gia đình 3, 4 đời trồng nho buộc phải tìm sinh kế mới

Andrew Calabria, chủ sở hữu vườn nho và 1 nhà sản xuất rượu vang tại Úc than thở: "Có cảm giác như một kỷ nguyên đang kết thúc".

Tờ CNN đưa tin, nông dân úc đang phá huỷ hàng triệu cây nho và ngừng trồng hàng chục triệu cây nho khác để hạn chế tình trạng sản xuất quá mức khiến giá nho sụt giảm, đe dọa sinh kế của người trồng nho cũng như các nhà sản xuất rượu vang.

Trên thực tế, mức tiêu thụ rượu vang giảm trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến Úc bởi rượu vang đỏ chính là sản phẩm lớn nhất của quốc gia này – và đây cũng là loại vang chứng kiến nhu cầu giảm mạnh nhất. Chưa kể, Trung Quốc, thị trường rượu vang đỏ lớn nhất của Úc trong suốt những năm gần đây cũng chứng kiến nhu cầu giảm mạnh.

Các số liệu gần đây nhất cho thấy, nhà xuất khẩu rượu vang lớn thứ năm thế giới hiện đang tồn kho hơn hai tỷ lít, tương đương sản lượng sản xuất trong khoảng hai năm, được lưu trữ vào giữa năm 2023. Đáng nói, một số đang bị hư hỏng khi các chủ sở hữu vội vàng vứt bỏ nó bằng mọi cách nào.

Là thế hệ thứ 4 trong gia đình tham gia làm nông, James Cremasco cho biết: "Chúng tôi chỉ còn có thể tiếp tục trồng trọt trong thời gian rất ngắn và đang thua lỗ nặng nề". Cremasco rất đau lòng khi phải chứng kiến những chiếc máy xúc màu vàng dỡ bỏ những hàng nho mà ông nội anh trồng gần thị trấn Griffith phía đông nam nước Úc.

Khoảng 2/3 số nho làm rượu vang của Úc được trồng ở các khu vực nội địa như Griffith. Cảnh quan của nước này được hình thành nhờ kỹ thuật trồng nho do những người di cư Ý đến vào khoảng những năm 1950 mang đến.

Khi các nhà sản xuất rượu vang lớn như Treasury Wines TWE.AX và CG.O Accolade Wines của Tập đoàn Carlyle tập trung vào những chai rượu đắt tiền hơn đang bán chạy hơn, thì các khu vực xung quanh Griffith đang gặp khó khăn. Tại đây, không khó để chứng kiến hình ảnh những quả nho chưa hái héo rũ trên cây.

Tồn kho tới 2 tỷ lít, rượu vang 'ế' chưa từng có: Nông dân Úc đau đớn phá bỏ hàng triệu cây nho, càng trồng càng lỗ, có gia đình 3, 4 đời trồng nho buộc phải tìm sinh kế mới - Ảnh 1.

Andrew Calabria, chủ sở hữu vườn nho và nhà sản xuất rượu vang thế hệ thứ ba tại Calabria Wines cho biết: "Có cảm giác như một kỷ nguyên đang kết thúc".

"Bây giờ, khi nhìn ra cửa sổ phía sau nhà, những người nông dân thường nhìn thấy một đống đất thay vì những cây nho đã tồn tại ở đó từ lâu như họ đã biết".

Gần đó, phần còn lại của 1,1 triệu cây nho từng là một trong những vườn nho lớn nhất nước Úc giờ đây đã được chất thành những đống gỗ xương xẩu và cong queo cao vượt tầm mắt người nhìn.

Rượu vang đỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo dữ liệu từ cơ quan công nghiệp Wine Australia, ở những khu vực như Griffith, giá nho sản xuất đã giảm xuống mức trung bình 304 đôla Úc (200 USD) một tấn vào năm ngoái, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và giảm từ 659 đôla Úc vào năm 2020.

Thậm chí, chính phủ Úc dự báo giá sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, cho biết họ nhận thấy những thách thức đáng kể mà người trồng phải đối mặt và cam kết hỗ trợ ngành này. Tuy nhiên, nhiều người trồng nho cho biết chính phủ có thể làm được nhiều hơn thế.

Cremasco cho biết một số loại nho đỏ của ông được bán với giá hơn 100 đôla Úc một tấn.

Jeremy Cass, người đứng đầu Riverina Winegrape Growers, một nhóm nông dân ở đó, cho biết để cân bằng thị trường và nâng giá, có tới 1/4 số cây nho ở những khu vực như Griffith phải bị nhổ bỏ.

Điều đó sẽ phá hủy hơn 20 triệu cây nho trên 12.000 ha (30.000 mẫu Anh), tức là tương đương khoảng 8% tổng diện tích trồng nho của Australia.

Người trồng và sản xuất rượu vang ở các khu vực khác cũng đã nhổ bỏ cây nho.

Một nhà sản xuất rượu ở Tây Úc cho biết: "Nếu một nửa số cây nho ở Úc bị chặt bỏ, điều đó vẫn có thể không giải quyết được tình trạng dư cung".

Tuy nhiên, nhiều người trồng nho không muốn nhổ cây nho đang thua lỗ vì vẫn ôm hy vọng thị trường sẽ đảo chiều.

Nhà phân tích rượu vang Tim Mableson của KPMG cho biết: "Họ làm thế là huỷ hoại gia sản của chính mình". Tim Mableson ước tính rằng 20.000 ha (49.000 mẫu Anh) vườn nho bị tiêu hủy trên toàn quốc.

CHO KHÔNG

Những lo ngại về sức khỏe đang khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới uống ít rượu hơn và khi uống rượu, họ chỉ chọn những chai đắt tiền.

Chile, Pháp và Mỹ nằm trong số những nhà sản xuất rượu vang lớn khác cũng đang vật lộn với tình trạng dư cung, thậm chí những khu vực đắc địa như Bordeaux đã nhổ bỏ hàng nghìn ha vườn nho.

Khi Trung Quốc dừng nhập khẩu do tranh chấp chính trị vào năm 2020, Australia đã mất thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất về giá trị. Và không giống như châu Âu, nước này không cung cấp hỗ trợ tài chính cho nông dân để giúp họ tiêu hủy cây nho và lượng rượu dư thừa.

Mặc dù Trung Quốc dự kiến sẽ cho phép nhập khẩu trở lại trong tháng này, nhưng điều đó sẽ không giải quyết được tình trạng dư thừa vì nhu cầu tại đây đã giảm nhanh hơn nhiều so với những nơi khác.

Tồn kho tới 2 tỷ lít, rượu vang 'ế' chưa từng có: Nông dân Úc đau đớn phá bỏ hàng triệu cây nho, càng trồng càng lỗ, có gia đình 3, 4 đời trồng nho buộc phải tìm sinh kế mới - Ảnh 2.

Rượu được bán với giá dưới 10 đôla Úc một lít - hầu hết được làm từ nho trồng ở các khu vực như Griffith - chiếm 2/3 giá trị xuất khẩu rượu vang của Úc trị giá 1,9 tỷ đôla Úc trong năm tính đến tháng 12 năm 2023.

Một số khu vực đang hoạt động tốt hơn, chẳng hạn như Tasmania và Thung lũng Yarra ở Victoria, nơi sản xuất nhiều loại rượu vang trắng hơn và rượu vang đỏ nhẹ hơn, đắt tiền hơn đang ngày càng phổ biến.

Nhưng khắp Griffith đang có đầy những bể chứa hàng nghìn lít rượu vang.

Bill Calabria, cha của Andrew cho biết: "Mọi người đều đang cố gắng loại bỏ rượu vang", đồng thời nói thêm rằng các nhà máy rượu vang "gần như cho không" để nhường chỗ cho kế hoạch kinh doanh sản phẩm mới.

Thay vào đó, nhiều người trồng đang chuyển sang trồng cây có múi và hạt.

Cremasco hy vọng thu được lợi nhuận lớn hơn từ những cây mận mà anh đang trồng trên diện tích đất hoang của mình, trong khi GoFARM đang trồng hơn 600 ha (1.500 mẫu Anh) cây hạnh nhân gần đó, cũng thay thế cây nho.

Cremasco nói thêm: "Sẽ không có thế hệ gia đình trồng nho tiếp theo".

Theo: CNN

Phương Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT