Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: "Có hai điều người Việt yêu thích hơn tất cả là ăn hàng và mua sắm"
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chỉ ra rằng đến năm 2030, Việt Nam sẽ vượt qua cả Thái Lan, Anh và Đức để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 trên thế giới.
"Gần đây tôi có một chuyến công tác và ngay khi trở về Việt Nam, điều đầu tiên luôn khiến tôi ấn tượng là nguồn năng lượng, động lực và không khí của đất nước tuyệt vời này. Lý do không chỉ nằm ở những cơ hội tăng trưởng kinh tế, mà còn là con người. Một trong những động lực cho thành công của kinh tế Việt Nam là sự phát triển của tầng lớp trung lưu và sức tiêu dùng", ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam phát biểu tại sự kiện giới thiệu Thẻ tín dụng HSBC Live+ hôm 2/7.
Lãnh đạo HSBC cho biết, tới năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 trên thế giới, vượt qua cả Thái Lan, Anh và Đức. Dự báo này đã được HSBC Global Research công bố trước đó. Động lực chính là tầng lớp trung lưu cao (có thu nhập khoảng 50-110 USD/ngày) được dự báo tăng bình quân 17% mỗi năm từ nay đến năm 2030.
"Việc ra mắt chiếc thẻ tín dụng mới này nhằm mục đích nắm bắt các cơ hội tại Việt Nam và đem đến cho người tiêu dùng Việt trải nghiệm khác biệt. Có một điều tôi nhận thấy khi quan sát đội ngũ của mình tại Việt Nam. Độ tuổi trung bình của họ là 28 và 77% là nữ. Thành thực mà nói, có hai điều mà người Việt yêu thích hơn tất cả là ăn uống bên ngoài và mua sắm", ông Tim Evans phát biểu.
Dữ liệu chi tiêu của chủ thẻ HSBC-Visa cũng cho thấy chi tiêu cho ăn uống là ưu tiên hàng đầu của người châu Á. Trong đó, chi phí ăn uống tại các nhà hàng và liên quan đến thực phẩm nằm trong 3 hạng mục chi tiêu nhiều nhất tại 7/8 thị trường. Với dữ liệu thực tế nói trên, ngân hàng HSBC và công ty thanh toán điện tử Visa hợp tác ra mắt Thẻ tín dụng Live+, cung cấp ưu đãi giảm giá 15% tại nhiều nhà hàng ở châu Á, mức hoàn tiền lên đến 8% cho các chi tiêu thuộc nhóm ăn uống, mua sắm và giải trí.
Tại Việt Nam, tiền mặt là một phương tiện thanh toán phổ biến, nhưng thẻ thanh toán cũng ngày càng được dùng rộng rãi hơn. Thanh toán qua thẻ tăng từ 304,8 triệu trong năm 2019 lên 797,9 triệu giao dịch trong năm 2023, tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự thuận tiện, tăng cường bảo mật và nhiều sáng kiến của chính phủ nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Số lượng giao dịch dùng thẻ được kỳ vọng sẽ tăng lên 1,7 tỷ giao dịch vào năm 2027.
Thị trường thẻ tín dụng cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn với tỷ lệ 27 thẻ trên 100 người dân trong năm 2023. Mức độ sử dụng thẻ để thanh toán được dự báo sẽ tăng lên. Khối lượng và giá trị thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng gia tăng, cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn của mảng cho vay không bảo đảm ở Việt Nam.