Tổng giám đốc MSB nói về quyết định bán TNEX Finance: Thị trường không khởi sắc, nhường lại phân khúc mass, tập trung vào phân khúc cao hơn

Song song với việc thoái vốn TNEX Finance, MSB dự kiến mua 1 công ty chứng khoán quy mô vốn điều lệ 300-500 tỷ đồng và đã tìm được 2-3 công ty đáp ứng tiêu chuẩn.

Tổng giám đốc MSB nói về quyết định bán TNEX Finance: Thị trường không khởi sắc, nhường lại phân khúc mass, tập trung vào phân khúc cao hơn- Ảnh 1.

Sáng 21/4, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tại đại hội năm nay, một nội dung gây chú ý là việc MSB trình cổ đông việc thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV TNEX (TNEX Finance).

MSB cho biết, TNEX Finance tiền thân là FCCOM, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB. Công ty này đã hoạt động được 7 năm và có mạng lưới gồm 1 chi nhánh tại TPHCM, 1 văn phòng đại diện tại Phú Yên và 22 điểm giới thiệu dịch vụ, có gần 11.700 khách hàng. Công ty này có một số sản phẩm như vay tiêu dùng siêu nhanh, vay tiêu dùng thông thường, vay hạn mức "tiêu trước trả sau" và sản phẩm vay dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Lý giải việc bán TNEX Finance, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, từ năm 2022 tình hình hoạt động thị trường cho vay tài chính tiêu dùng vẫn chưa có nhiều khởi sắc và đến thời điểm này cũng chưa có nhiều khởi sắc.

Trong khi đó, MSB đã làm liên tiếp 2 kỳ chuyển đổi số cùng 2 đơn vị tư vấn lớn nhất thế giới, dự kiến năm nay sẽ hoàn thiện tất cả quy trình, nền tảng, nên MSB xác định sẽ là ngân hàng tiên phong chuyển đổi số. Vì vậy, MSB cũng quyết định sẽ tập trung cho hoạt động cốt lõi là hoạt động ngân hàng, tập trung vào phân khúc cao hơn và nhường phân khúc mass lại cho công ty tài chính.

"Cùng một lúc mà điều hành, phát triển nhiều chiến lược, nhiều mục tiêu, nhiều phân khúc sẽ gây ra khó khăn trong hoạt động cốt lõi của ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi quyết định có thể xem xét thoái vốn khỏi phân khúc mass mà cụ thể ở đây là TNEX Finance", Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh nói.

Trong khi đó, Hội đồng quản trị MSB cho rằng, việc thoái vốn TNEX Finance cắn cứ vào tình hình thị trường các công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Để có lợi nhuận tốt và tăng trưởng đường dài trong thị trường này, công ty tài chính cần có sự đầu tư lớn về quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm, đầu tư cho công nghệ, số hóa và con người...

MSB cho biết, tại thời điểm 31/12/2024, TNEX Finance có tổng tài sản 3.807 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 1.774 tỷ đồng. Năm 2024, công ty tài chính này đạt doanh thu thuần 358,8 tỷ đồng và lãi trước thuế khoảng 5 tỷ đồng.

Song song với việc thoái vốn công ty tài chính, MSB lại có kế hoạch góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Theo MSB, ngân hàng xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thể giúp MSB mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói như: môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán đến quản lý tài sản và đầu tư quỹ, giúp MSB tạo ra một mô hình tài chính toàn diện, tương tự như các ngân hàng lớn đã thành công với mô hình này như Vietcombank (VCBS), MB (MBS).

MSB có sẵn một tệp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn từ hoạt động ngân hàng bán lẻ. Việc sở hữu một công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ giúp MSB dễ dàng tiếp cận và cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán và mở rộng sang lĩnh vực quản lý tài sản cao cấp (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng muốn đầu tư chuyên nghiệp hơn; cung cấp các sản phẩm như quỹ mở, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu… giúp đa dạng hóa lựa chọn đầu tư.

Việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, hưởng lợi từ sự phát triển dài hạn của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh chính phủ đẩy mạnh phát triển thị trường vốn để giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, MSB sẽ có lợi thế lớn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh, MSB dự kiến mua 1 công ty chứng khoán vốn điều lệ 300-500 tỷ đồng, sau đó điều hành và tăng vốn phù hợp với quá trình phát triển và hỗ trợ các sản phẩm wealth management. Hiện MSB đã có 2-3 đối tác đáp ứng các tiêu chuẩn.

Hà My

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT