Tổng Giám đốc VPBank: Tiền trong ngân hàng thừa hàng chục nghìn tỷ là phí phạm

Theo vị Tổng giám đốc ngân hàng này, nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn, nhưng điều kiện nào để cho vay? - ông đặt câu hỏi.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại hội nghị, ông cho rằng tín dụng tăng trưởng chậm, thậm chí là giảm trong 2 tháng đầu năm không phải vấn đề lớn. Bởi việc này mang tính chất mùa vụ và nhu cầu. Ông cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ rất nhiều và cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng.

Ông Vinh cũng đặt ra vấn đề hiện nay đó là có tiếp tục duy trì được tất cả các giải pháp để hỗ trợ không? "Chúng ta hãy nhìn những thành công của Chính phủ trong thời gian vừa qua. Tôi cho rằng chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, đi vào chi tiết", ông Vinh nói.

Trên cơ sở đó, ông Vinh đề nghị một số vấn đề cần Chính phủ tập trung chỉ đạo.

Đầu tiên là về tăng trưởng, ông Vinh cho rằng, hiện nay có một mảng chúng ta chưa làm được nhiều, đó là kích cầu tiêu dùng nội địa. Vì vậy, ông đề xuất chương trình của Chính phủ coi kích cầu tiêu dùng nội địa là vấn đề lớn.

Thứ hai, chúng ta đang thừa tiền trong ngân hàng. Tiền trong ngân hàng thừa hàng chục nghìn tỷ là phí phạm. Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn, nhưng điều kiện nào để cho vay?

Ông Vinh nói thêm: "Chúng tôi có hơn 40.000 doanh nghiệp. Hạn mức cấp cho họ là 240 nghìn tỷ, hiện nay tổng giải ngân hơn 60 nghìn tỷ, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do. Đó là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án kinh doanh. Lãi suất chỉ là một trong các yếu tố. Thực tế, trong thời gian vừa qua, lãi suất giảm rất nhiều".

Đối với 1 triệu khách hàng doanh nghiệp Việt Nam, nhóm khách hàng tiềm năng có nhu cầu vay vốn, theo ông Vinh, nhiều biện pháp hỗ trợ tín dụng hiện chưa đủ. Chính vì vậy, ông Vinh mong muốn là Nhà nước có hẳn một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng không thì không thể đủ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng "cần xem lại lại xem tại sao một số chính sách đưa ra lại không chạy, có chính sách đưa ra giải ngân được ngay nhưng có những chính sách đưa ra 2 năm không giải ngân được. Qua đó rút kinh nghiệm để có một chương trình mới cho khách hàng, doanh nghiệp".

Lãnh đạo VPBank cũng đề nghị về có giải pháp cho vấn đề là xử lý nợ. Theo ông, nợ xấu hay còn gọi là nợ không sinh lời là một lĩnh vực sẽ tồn tại mãi mãi của ngành ngân hàng, nền kinh tế. Lĩnh vực xử lý nợ xấu phải là một đối tượng được Nhà nước cực kỳ quan tâm, cần có một Bộ luật riêng để xử lý nợ xấu.

Theo ông Vinh, càng ngày các ngân hàng càng vấp phải vấn đề xử lý nợ, không chỉ nợ không thu hồi được tài sản, không dám cho vay mà còn tăng thêm chi phí, vốn. Nghị quyết 42 sẽ hết hạn tháng 12 này, tất cả các ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình trạng không ai hỗ trợ ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, ưu tiên thứ tự thu hồi nợ và các biện pháp khác. Ngày xưa chỉ cho vay tín chấp mới mất tiền, giờ cả vay thế chấp cũng phải 2 đến 3 năm mới xử lý được nợ.

Một lần nữa ông Vinh đề nghị về dài hạn có một Bộ luật về vấn đề xử lý nợ xấu. Trong Bộ luật các tổ chức tín dụng ban hành vừa qua, rất nhiều điều hay nhưng riêng vấn đề xử lý nợ chỉ có 2, 3 điều. Trong lúc chờ đợi, ông Vinh đề nghị gia hạn Nghị quyết 42.

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT