TPBank mở lối ESG cho tài chính toàn diện bình đẳng giới tại Việt Nam
Những đóng góp thầm lặng dành cho các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ của nhà băng màu tím liên tục trong nhiều năm qua đã được ghi nhận xứng đáng với giải thưởng Ngân hàng Đối tác Thương mại Tốt nhất – Tài chính hỗ trợ bình đẳng giới 2024 từ Tổ chức Tài chính Thế giới – IFC. Song song với mũi nhọn về ngân hàng số, quan tâm tới bình đẳng giới và tài chính toàn diện cũng là cách triển khai ESG đầy sáng tạo và khác biệt của TPBank
Bình đẳng giới có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững
Tài chính toàn diện và bình đẳng giới là hai vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia và học giả trong những năm gần đây. Cùng với đó, các nghiên cứu trên thế giới và cả Việt Nam về chủ đề trên cho thấy bình đẳng giới vàchú trọng trong phát triển tài chính toàn diện trong nền kinh tế có mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời. Theo Báo cáo mới nhất của IFC, Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu 2023 ở Việt Nam cũng như ở các nền kinh tế đang phát triển khác, tại các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo: chỉ 9% đất đai thuộc sở hữu của phụ nữ, trong khi 91% thuộc sở hữu của nam giới. Mặc dù đại diện cho gần một phần tư doanh nghiệp (24%) và đạt được hiệu quả tương tự, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ ít có khả năng vay vốn kinh doanh hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nam giới làm chủ, gây ra trở ngại đáng kể cho phụ nữ lãnh đạo tham gia vào thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam đã nổi lên như một thị trường hàng đầu về tài trợ thương mại trong danh mục Dịch vụ ngân hàng dành cho phụ nữ của IFC khi có tới 50% tổng số giao dịch ngân hàng liên quan đến thương mại có sự tham gia của phụ nữ. Các công ty và ngân hàng được khảo sát cho biết từ 6% đến 30% danh mục đầu tư giao dịch có lợi nhuận của họ là được dành riêng để tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Lượng giao dịch tại Việt Nam có mức tăng trưởng từ 50-100% trong 5 năm qua với nhiều hình thức hỗ trợ như: giảm giá, đào tạo và nâng cao năng lực, xây dựng các sáng kiến nâng cao nhận thức. Thêm vào đó, phụ nữ chiếm khoảng 60% lực lượng lao động ngân hàng mới vào nghề ở Việt Nam, điều này có thể góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của phụ nữ hoặc đưa ra các sáng kiến quan trọng tạo điều kiện cho việc mở rộng hoạt động của ngân hàng.
Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện Global Trade Partner Meeting tại Barcelona đầu tháng 5/2024, dưới sự chứng kiến của 325 đại diện thuộc 175 tổ chức đến từ 58 quốc gia trên toàn cầu, IFC vinh danh TPBank là "Best Trade Partner Bank – Gender Finance 2024" (Ngân hàng Đối tác Thương mại Tốt nhất – Tài chính hỗ trợ bình đẳng giới 2024).
TPBank đã có những đóng góp nổi bật và đạt số lượng giao dịch cao nhất trong toàn bộ các đối tác của IFC trong khuôn khổ chương trình tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành "Banking on Women (BOW)". Giải thưởng này là sự ghi nhận của IFC đối với những nỗ lực của TPBank trong việc tham gia các chương trình, sáng kiến của IFC nói chung cũng như chương trình hỗ trợ tài chính cho các giao dịch tài trợ thương mại có yếu tố BOW nói riêng. TPBank sẽ tiếp tục ủng hộ nhiệt tình và sát cánh đồng hành cùng IFC trong các chương trình, dự án về tài trợ thương mại hiện đang và sẽ triển khai sau này.
Mở lối ESG cho bình đẳng giới để cùng phát triển toàn diện
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: "Giải thưởng là lời khẳng định tốt nhất của đối tác quốc tế dành cho những nỗ lực của TPBank trong tài chính bình đẳng giới, một trong những ưu tiên quan trọng trên hành trình phát triển toàn diện theo định hướng ban đầu của TPBank. Chúng tôi luôn hướng tới đảm bảo triển khai các chiến lược theo hướng phát triển kinh tế toàn diện, gia tăng các giá trị xã hội và thân thiện với môi trường bằng cách lồng ghép xuyên suốt định hướng phát triển bền vững, công bằng và có trách nhiệm trong mọi chiến lược, kế hoạch hoạt động của ngân hàng."
Trong nhiều năm liên tục, TPBank dẫn đầu thực thi về ESG nhằm đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư và nhà quản lý, góp phần giúp khách hàng thiết lập những chuẩn mực mới và khác biệt về phát triển bền vững và xây dựng sức mạnh nội tại trong chính ngân hàng. Bộ tiêu chí ESG của TPBank đặc biệt trùng khớp với tầm nhìn và sứ mệnh trên con đường phụng sự khách hàng. Hay việc kiên định chiến lược dài hạn và mũi nhọn về ngân hàng số trong kỷ nguyên mở cũng là cách triển khai ESG đầy sáng tạo và khác biệt của TPBank. Song hành với đó, việc luôn đề cao và ưu tiên những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cũng xuất phát từ nội tại TPBank, khi lực lượng lao động là nữ chiếm tới 62%, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt là nữ quản lý điều hành, đó là lý do ban lãnh đạo ngân hàng luôn quan tâm đặc biệt tới cán cân giới tính và bình đẳng cơ hội trong hoạt động kinh doanh.
Năm 2023 có nhiều dấu mốc quan trọng tô đậm định hướng phát triển bền vững của TPBank. Tháng 8, TPBank khởi động Dự án Xây dựng Khung và Nâng cao năng lực thực thi về Môi trường – Xã hội – Quản trị, nâng cao khả năng thực hành ESG. Tháng 9 năm 2023, DFC ký cam kết cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho TPBank với kỳ hạn 7 năm. Khoản tín dụng sẽ được ngân hàng hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, trong đó có nhóm khách hàng nữ thu nhập thấp và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam. Không chỉ vậy, hàng loạt các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt với hạn mức 2,000 tỷ đồng ưu tiên cho các doanh nghiệp phát triển xanh, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ từ chương trình WSMEs (giảm thêm 0,2% so với mức ưu đãi) phối hợp cùng ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng được triển khai đồng bộ trên các kênh.
Trên thị trường TPBank nằm trong top những ngân hàng uy tín, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Sự kiên trì, bền bỉ trong việc phát triển bền vững toàn diện của TPBank là mảnh ghép quan trọng trong hành trình phát triển Xanh cùng đất nước, hướng tới một Việt Nam vững bền.