Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Trái phiếu doanh nghiệp 'lặng sóng' đầu năm, triển vọng nào cho năm 2024?

Hà Thị Lưu Luyến

Bởi việc siết chặt các quy định phát hành và giao dịch nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vẻ "lặng sóng" trong những tháng đầu năm. Giới chuyên gia nhận định về thách thức và triển vọng cho trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024.

Thị trường trái phiếu đầu năm trầm lắng

Thống kê của FiinGroup cho thấy, tính đến ngày 5/2/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6.450 tỷ từ 4 doanh nghiệp.

Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã CII) phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, có kỳ hạn 10 năm với lãi suất 10%/năm cho 4 quý đầu tiên và sau đó thả nổi với mức lãi bù 2,5% cao hơn lãi suất tham chiếu và trái chủ có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với mức giá 10 nghìn/cổ phiếu.

Tiếp đến, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 15%/năm cho năm đầu tiên và sau đó thả nổi với mức bù 4,5% cao hơn lãi suất tham chiếu.

trai-phieu-doanh-nghiep-lang-song-dau-nam-trien-vong-nao-cho-nam-2024-2-1707207195.png
CII là một trong 4 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tháng đầu tiên năm 2024.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vận tải, một doanh nghiệp chưa đại chúng cũng phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm và lãi suất 6,5%/năm.

Hay Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận (công ty con của CII) phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm và lãi suất 10,5%/năm.

Theo FiinGroup, dù giá trị phát hành trong tháng 1/2024 khá khiêm tốn, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2023 (tổng giá trị phát hành cũng chỉ ở mức 490 tỷ đồng) thì không phải thấp.

Trong bối cảnh lượng phát hành mới còn hạn chế thì doanh nghiệp tích cực chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn. Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 1/2024, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn vẫn diễn ra đều đặn, các doanh nghiệp đã mua lại gần 4.300 tỷ đồng trái phiếu.

Thách thức và triển vọng cho năm 2024

Các chuyên gia phân tích nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 nhiều khả năng sẽ có kịch bản gần giống năm 2023, tức là trầm lắng nửa đầu năm và tăng tốc mạnh hơn trong nửa cuối năm.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân chưa quay lại… là nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng.

Theo thống kê của FiinGroup, lượng TPDN đáo hạn năm 2024 (cả gốc và lãi) khoảng 380.000 tỷ đồng, trong đó 70% tập trung vào 2 nhóm ngành chính là bất động sản và ngân hàng; riêng lượng TPDN bất động sản đáo hạn hơn 110.000 tỷ đồng.

Ngoài lượng đáo hạn lớn, năm 2024, các doanh nghiệp phát hành có thể phải chính thức phải tuân thủ các quy định khắt khe của Nghị định 65/2022/NĐ-CP do một số quy định giãn, hoãn của Nghị định 08/2023/NĐ-CP cũng là rào cản trước mắt của thị trường trái phiếu.

Cụ thể, từ đầu tháng 1/2024, nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia cuộc chơi TPDN phải tuân thủ Nghị định 65/2022/NĐ-CP: Phải có danh mục chứng khoán niêm yết nắm giữ tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, TPDN riêng lẻ là sản phẩm của thị trường tài chính, rủi ro hơn TPDN phát hành ra công chúng, do đó cần giới hạn các nhà đầu tư. Rủi ro TPDN riêng lẻ không chỉ liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp, mà còn do rủi ro thị trường khiến doanh nghiệp không trả được nợ.

Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, các quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Phải đến cuối năm nay, hoạt động phát hành mới có thể phục hồi khi các thành viên tham gia thị trường dần quen với quy định mới, cùng với nhu cầu vốn của doanh nghiệp gia tăng khi hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi.

trai-phieu-doanh-nghiep-lang-song-dau-nam-trien-vong-nao-cho-nam-2024-1707207127.PNG
 

Nhận định về năm 2024, FiinGroup cho rằng, triển vọng cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn năm 2023 vì một số lý do.

Thứ nhất, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Dù chưa công bố kế hoạch hầu hết các ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 NHNN đề ra (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo.

Thứ hai, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn. Hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.

Thứ ba, các công ty tài chính tiêu dùng cũng sẽ bước vào giai đoạn mới tăng trưởng trở lại sau một năm 2023 suy giảm, do các vấn đề thực hành thu hồi nợ của nhiều đơn vị đã được xử lý.

Ngoài ra, những biện pháp tháo gỡ pháp lý sẽ làm tiền đề cho việc giảm rủi ro pháp lý tại các dự án bất động sản để các chủ đầu tư có thể khôi phục hoạt động huy động vốn tín dụng, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Hà Ly (t/h)