Trình Thủ tướng Nghị định kinh doanh xăng dầu trong tháng 3/2024

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong tháng 3/2024.

Văn phòng Chính phủ vừa qua đã ban hành văn bản 51/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ và cơ quan. Đối với Bộ Công Thương được Thủ tướng giao ba nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

trinh-thu-tuong-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-trong-thang-3-2024-1708311734.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong tháng 3/2024.

Một là đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội.

Hai là, Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trong tháng 3/2024.

Ba là khẩn trương xây dựng giá điện khí, điện gió, điện mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phủ trong quý II năm 2024.

Trước đó, theo Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 14/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý II/2024.

Trước nữa, ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu

Theo Nghị định 80, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần. Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp Tết Nguyên đán thì được thực hiện như sau:

Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian điều hành trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó.

Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Nghị định 80 cũng bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng; bổ sung quy định về điều kiện kho chứa khi cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.

Nghị định mới sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.

Đến ngày 4/1/2024, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách và pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xăng dầu.

Tại kết luận này, TTCP đã nêu ra nhiều vi phạm của Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp đầu mối trong quản lý, kinh doanh mặt hành xăng dầu.

Cụ thể, theo TTCP, hơn 5 năm, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.

Tuy nhiên, sau khi được cấp phép nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

TTCP cho rằng, Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối xăng dầu...để xử lý theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 và khoản 6 Điều 14 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG), cơ quan quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy định, quy chế phối hợp, và phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì (Bộ Tài chính) và cơ quan phối hợp (Bộ Công Thương) trong quản lý quỹ, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định pháp luật.

Theo cơ quan thanh tra, có đến 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã lạm dụng quỹ BOG sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại trong tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Số tiền đã lên đến hơn 7.927 tỷ đồng.

Ngoài ra,TTCP còn chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quản lý, điều hành giá xăng dầu; việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường; ...

Dựa trên kết quả thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật một số vụ việc.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT