‘Trợ lực’ từ Indonesia đổ bộ giúp Việt Nam thống lĩnh một mặt hàng của thế giới: Là loại cây từ gốc đến ngọn đều ra tiền, thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm

Indonesia hiện là nhà cung cấp mặt hàng này lớn nhất cho Việt Nam.

‘Trợ lực’ từ Indonesia đổ bộ giúp Việt Nam thống lĩnh một mặt hàng của thế giới: Là loại cây từ gốc đến ngọn đều ra tiền, thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), trong tháng 5 Việt Nam đã nhập khẩu 335 tấn quế với kim ngạch đạt 0,8 triệu USD, giảm gần 20% so với tháng 4. Trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia với 195 tấn và Trung Quốc với 60 tấn.

Như vậy tính đến hết tháng 5, nước ta đã nhập khẩu 1.973 tấn quế với trị giá hơn 4,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu giảm 19,5%, kim ngạch giảm 20,1%. Indonesia là quốc gia cung cấp quế lớn nhất cho Việt Nam chiếm 67,9% đạt 1.339 tấn.

Quế là một loại cây thân gỗ, dễ chăm sóc và diện tích trồng quế của Việt Nam lên tới 180.000 ha tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 - 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 - 80.000 tấn/năm. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD vào năm 2022. 

VPSA cho biết, tiềm năng của vùng nguyên liệu quế của nước ta rất lớn bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai và một số nơi như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam… Nhu cầu về gia vị của thế giới vẫn ở mức cao, không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Việt Nam đã có hàng chục công ty đầu tư dây chuyền chế biến quế hiện đại, cho ra sản phẩm quế xay, quế bột để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu quế đến gần 100 quốc gia trên thế giới, chiếm 95% thị phần tại thị trường Ấn Độ, 36,5% tại thị trường Hoa Kỳ và 35% thị trường châu Âu. Các sản phẩm quế nước ta đã chiếm lĩnh hầu hết tại các thị trường lớn trên thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu quế đã qua chế biến mới chỉ chiếm 18,6%, đạt 18.659 tấn, trong đó 70% xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tỷ lệ xuất khẩu sang châu Âu chỉ chiếm 12%.

Tổng thể, thị trường xuất khẩu quế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, nhờ xu hướng sử dụng gia vị thiên nhiên, dược liệu truyền thống và thực phẩm sạch. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất chính sẽ buộc mỗi quốc gia phải xác định chiến lược riêng biệt, kết hợp giữa năng lực sản xuất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Năm 2025, thị trường quế dự kiến duy trì ổn định với sản lượng toàn cầu khoảng 250.000 tấn, tăng nhẹ so với năm trước. Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục dẫn đầu, trong khi Indonesia giữ ổn định dù có xu hướng giảm nhẹ. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành quế toàn cầu, nhưng cũng đặt ra yêu cầu về nâng cao chất lượng, bảo đảm phát triển bền vững và tìm kiếm thêm giá trị gia tăng từ chế biến sâu để mở rộng xuất khẩu.

Như Quỳnh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT