Trong giới đầu tư trẻ giàu có, nhóm người thận trọng nắm giữ nhiều tiền mã hóa hơn: Ngược với logic thông thường?
Bạn có thể nghĩ rằng tiền mã hóa, một tài sản cực kỳ biến động, sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư "tích cực". Nhưng thực tế không phải vậy đối với giới trẻ giàu có.
Nếu bạn đã từng làm việc với một cố vấn đầu tư — thực tế hay ảo — thì rất có thể bạn đã từng trải qua một phiên bản bài kiểm tra Myers-Briggs (bài trắc nghiệm xác định tính cách và sở thích tâm lý) dành cho nhà đầu tư.
Bạn sẽ làm gì nếu danh mục đầu tư của bạn gặp phải sự suy giảm mạnh? Khi lựa chọn các khoản đầu tư, bạn ưu tiên sự ổn định hay tiềm năng tăng trưởng?
Những câu hỏi này nhằm đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro của bạn. Nếu bạn sẵn sàng chịu đựng sự biến động ngắn hạn lớn để có cơ hội đạt được lợi nhuận cao hơn trong dài hạn, bạn thường được coi là một nhà đầu tư "tích cực". Ngược lại, những người chú trọng việc bảo toàn tài sản của mình được gọi là "bảo thủ."
Nhìn chung, các nhà đầu tư tích cực nắm giữ tỷ lệ lớn hơn các tài sản có rủi ro cao, chẳng hạn như cổ phiếu, trong khi những người bảo thủ lại thích sự an toàn và ổn định của trái phiếu.
Do đó, bạn có thể nghĩ rằng tiền mã hóa, một tài sản cực kỳ biến động, sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư tích cực. Nhưng thực tế không phải vậy đối với giới trẻ giàu có.
Theo một nghiên cứu gần đây của Bank of America Private Bank, trong số những nhà đầu tư từ 21 đến 43 tuổi có ít nhất 3 triệu đô la để đầu tư, những người tự nhận mình là "tích cực" nắm giữ trung bình 14% danh mục đầu tư của họ bằng tiền mã hóa. Con số trung bình đối với những người "bảo thủ": 17%.
Vậy liệu những nhà đầu tư trẻ và giàu có có đang thay đổi định nghĩa về thế nào là "tích cực" hay "bảo thủ"? Có lẽ là không.
“Điều này thật ngạc nhiên, nhưng tôi cũng nghĩ rằng liên quan đến tính thời điểm,” Stephane Ouellette, nhà sáng lập và CEO của công ty tài sản số FRNT Financial, cho biết. “Chúng ta không có một thị trường mang tính chất tích cực, đầy động lực cho các tài sản số, vốn thường thu hút các nhà đầu tư tích cực. Nếu bạn tiến hành cuộc khảo sát này vào năm 2021, có lẽ bạn sẽ nhận được những câu trả lời rất khác.”
Những lý do đằng sau kết quả ‘kỷ lạ’
Cách đây vài năm, khi tiền mã hóa và các tài sản số khác đang tăng giá mạnh, các nhà đầu tư tích cực đã đổ vào thị trường, Ouellette cho biết. Nhiều người trong số họ đã rút lui khi giá giảm vào năm 2022. Phần lớn thị trường tiền mã hóa đã phục hồi trong năm qua nhờ vào một nhóm nhà đầu tư khác.
“Sự phục hồi này phần lớn được thúc đẩy bởi những người tin tưởng nhiệt thành vào Bitcoin, những người coi nó như một công cụ phòng ngừa rủi ro ngoài hệ thống tài chính hiện tại,” ông nói.
Nói cách khác, trong môi trường hiện tại — một môi trường bình lặng so với tiêu chuẩn biến động của tiền mã hóa — những người tin tưởng thực sự là những người bảo thủ. Các nhà đầu tư tích cực hơn, theo suy đoán của Ouellette, có khả năng sẽ quay lại nếu và khi giá tiền mã hóa bắt đầu tăng trở lại.
Tuy nhiên, liệu một thứ biến động như tiền mã hóa có thể được coi là “bảo thủ” theo bất kỳ nghĩa nào không? Các khoản đầu tư truyền thống, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu, có rủi ro, nhưng cuối cùng vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản, như lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp. Đầu tư vào tiền mã hóa được coi là hoàn toàn mang tính đầu cơ, với giá cả dao động hoàn toàn dựa trên nhu cầu của nhà đầu tư.
"Điều này phụ thuộc vào quan điểm của bạn", Brad Klontz, một nhà lập kế hoạch tài chính và giáo sư tâm lý tài chính tại Đại học Creighton cho biết.
“Sở hữu tiền mã hóa lại bảo thủ hơn ư? Điều này đi ngược lại mọi logic,” ông nói. “Nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa thuộc về phe ít tin tưởng vào các hệ thống tiền tệ và Chính phủ. Họ có thể cảm thấy rằng đa dạng hóa danh mục ngoài đồng đô la và cổ phiếu sẽ ít rủi ro hơn.”
Quan điểm này thậm chí có thể có lý hơn khi xét đến nhu cầu của các nhà đầu tư trẻ, giàu có. Đối với những người đang tìm cách xây dựng sự giàu có, việc có một phần nhỏ danh mục đầu tư vào tiền mã hóa có thể có nghĩa là thêm một số rủi ro lớn vào danh mục của bạn để đổi lấy khả năng tăng lợi nhuận đáng kể.
Tuy nhiên, nếu bạn đã có rất nhiều tiền, có thể phải có một thất bại kinh tế thảm khốc mới làm suy giảm danh mục đầu tư của bạn. Mike Pelzar, Giám đốc đầu tư của Bank of America Private Bank, cho biết, tiền mã hóa, với vai trò như một dạng tiền tệ thay thế và một kho lưu trữ giá trị, có thể mang lại sự an tâm cho một số nhà đầu tư nhất định. Trong trường hợp đồng đô la Mỹ hoặc nền kinh tế rộng lớn hơn suy yếu hoặc sụp đổ, tiền mã hóa được một số người coi là khoản đầu tư sẽ tiếp tục tăng trưởng trong khi các khoản đầu tư truyền thống thất bại. “Nghe thật trớ trêu, nhiều nhà đầu tư trẻ thực sự coi các khoản đầu tư tiền mã hóa là an toàn hơn,” ông nói.
Tham khảo CNBC
Thanh Anh