Trung Nam Group lỗ ròng gần 2.900 tỷ đồng trong năm 2023
Trung Nam Group báo lỗ sau thuế hợp nhất 2.878 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm 2022 vẫn có lãi 252 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2023 ghi nhận 65.097 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu chiếm 18.218 tỷ đồng.
Trung Nam Group lỗ ròng gần 2.900 tỷ đồng
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đăng tải bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 của CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Theo đó, doanh nghiệp lỗ sau thuế hợp nhất 2.878 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm 2022 vẫn có lãi 252 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) -11,85%, so với cùng kỳ đạt 0,91%.
Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của công ty đạt gần 24.290 tỷ đồng. Hệ số phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,68, tương ứng nợ phải trả 65.097 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu chiếm 18.218 tỷ đồng. So với cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của Trung Nam Group đã giảm hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ HNX, 7 lô trái phiếu phát hành trong các năm 2021, 2022 của Trung Nam Group đều đã hết thời gian lưu hành.
Tuy nhiên, nhiều thành viên trong hệ sinh thái như Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Điện mặt trời Trung Nam vẫn ghi nhận nợ trái phiếu. Cụ thể, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 còn dư nợ 9.354 tỷ đồng nợ trái phiếu tại thời điểm cuối tháng 6/2024. Trong nửa đầu năm, công ty này phải trả gần 400 tỷ đồng tiền lãi.
Hay Điện mặt trời Trung Nam còn dư nợ 1.800 tỷ đồng nợ trái phiếu tại thời điểm cuối tháng 6/2024.
CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, thành lập năm 2004, là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Trung Nam do hai anh em doanh nhân Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973) và Nguyễn Tâm Tiến (sinh năm 1967) gây dựng.
Sau 20 năm hoạt động, Trung Nam Group trở thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Trong đó, năng lượng tái tạo được doanh nghiệp xác định là mũi nhọn trong những năm qua.
Theo thống kê, Trung Nam Group có 9 dự án điện với tổng công suất thiết kế là 1.406 MW, sản lượng gần 4 tỷ kWh/năm. Hai dự án lớn nhất là điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam sản lượng 1,2 tỷ kWh/năm, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng và dự án điện gió Ea Nam, sản lượng 1,1 tỷ kWh/năm, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng.
Mang loạt tài sản, bất động sản đi thế chấp
Trong những năm qua, để phục vụ việc đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực, Trung Nam Group đã phải huy động hàng chục nghìn tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu. Ngoài ra, công ty còn phải bán bớt cổ phấn, dự án cho các đối tác.
Dữ liệu mới đây của PV ghi nhận, khối tài sản là Tổ máy phát điện Caterpillar của Trung Nam Group đã phải tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản theo quyết định kê biên số 85/QĐ-CTHADS ngày 13/11/2024.
Được biết, Tổ máy phát điện thủy Caterpillar bao gồm cái chi tiết Model C18, công suất 360ekw (450 kva), 380V@50Hz, xuất xứ động cơ từ Hoa Kỳ. Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu gồm hợp đồng mua bán hàng hóa số 2626 TRUNGNAM/PTI-21 ký ngày 18/5/2021 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam và Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái; hóa đơn giá trị gia tăng mẫu số 01GTKT0/002, ký hiệu: HN/20E, số: 0005456 ngày 29/10/2021 của Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái; giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp số 04516/21GS.CP, được đóng dấu ấn chỉ và kiểm tra gồm VR GEX0542, VRCN: 0110447, cấp tại TP.HCM ngày 18/10/2021 của Cục đăng kiểm Việt Nam – Chi cục Đăng kiểm số 6.
Song song với đó, Chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh cũng như các công ty thành viên phải mang cổ phần, bất động sản đi thế chấp cho các khoản vay.
Có thể kể đến như ông Nguyễn Tâm Thịnh đã mang 157.020.000 CP trị giá 1.570,2 tỷ đồng tại Trung Nam Group dùng làm tài sản đảm bảo thế chấp cho Sacombank – Chi nhánh Trung tâm.
Dữ liệu của PV cho thấy, 1 năm trở lại đây ghi nhận nhiều giao dịch thế chấp tài sản của ông Nguyễn Tâm Thịnh và các pháp nhân liên hệ trong nhóm Trung Nam Group tại Sacombank.
Có thể kể đến như tháng 6/2023, Xây dựng Trung Nam thế chấp ở Sacombank 25.075.000 cổ phần tại CTCP Cảng Quốc Tế Trung Nam Cà Ná, tương đương 16,35% vốn công ty.
Hay như vào tháng 3/2023 và 9/2024, Xây dựng Trung Nam lần lượt thế chấp 1.661.286 cổ phần và 6.900 cổ phiếu Bình Tiên tại Sacombank.
Thậm chí, hồi tháng 3/2024, dự án Khu Du lịch Bình Tiên do Công ty Bình Tiên làm chủ đầu tư được định giá 23.346 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) cũng đã được thế chấp tại Sacombank.
1 tháng sau, Bình Tiên tiếp tục thế chấp tại Sacombank toàn bộ lô đất quy mô hơn 1,88 triệu m2 tại xã Công Hải, Huyện Thuận Bắc, Tỉnh Ninh Thuận. Tổng giá trị tài sản là 565,3 tỷ đồng.
Khu Du lịch Bình Tiên (hay còn gọi là Anara Bình Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 2.579 tỷ đồng, quy mô 190ha được kỳ vọng sẽ trở thành siêu dự án và là mũi nhọn trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận nhằm thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Hà Ly