Trước lo ngại sạc xe điện ồ ạt ở chung cư, Sở Xây dựng Hà Nội nói gì?
Trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội ngày 15/7, Sở Xây dựng thừa nhận hệ thống điện tại các khu dân cư, đặc biệt là chung cư cũ, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nếu lắp trạm sạc xe điện hàng loạt.

Đây là một trong nhiều khó khăn được Sở Xây dựng nêu ra khi Hà Nội đặt mục tiêu chuyển đổi phương tiện cá nhân sang xe điện và dự kiến hạn chế xe máy xăng trong đường vành đai 1 từ tháng 1/2026.
Theo báo cáo, Hà Nội chưa có quy chuẩn chung cho trạm sạc xe điện, gây khó khăn cho việc dùng chung hạ tầng giữa các hãng xe và nhà cung cấp. Trạm sạc xe buýt hiện cũng còn manh mún – mới có 113 trụ sạc cho 16 tuyến buýt, được lắp ở depot của 5 trong số 11 đơn vị vận hành, và không thể dùng chung với các trụ sạc của VinBus.
Quy hoạch mạng lưới điện và phân bổ đất xây trạm sạc chưa có, trong khi nhu cầu triển khai trên diện rộng đang gia tăng. Một số khu vực nội đô thiếu quỹ đất để xây trạm sạc công cộng hoặc tích hợp trong bãi đỗ xe.
Về chi phí, Sở Xây dựng cho biết đầu tư phương tiện và hạ tầng sạc cho xe điện, đặc biệt xe buýt, taxi, xe vận tải, cao hơn đáng kể so với phương tiện truyền thống. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp vận tải vẫn còn tâm lý e ngại về độ bền, phạm vi hoạt động và sự ổn định của xe điện, nhất là trong điều kiện khắc nghiệt.
Một vấn đề khác được nêu rõ là hệ thống cấp điện tại các khu dân cư hiện hữu không đáp ứng được yêu cầu nếu bổ sung thêm trạm sạc. Theo Sở Xây dựng, phần lớn chung cư cũ và khu dân cư không được thiết kế để chịu tải điện lớn, việc lắp trạm sạc có thể gây quá tải, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện.
Về quy hoạch đất, hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng về phân loại đất cho công trình trạm sạc. Việc lắp đặt trên đất ngoài mục đích giao thông hoặc thương mại – dịch vụ còn phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mất thời gian và phát sinh thủ tục.
Các khu vực công cộng như vỉa hè cũng chưa có quy định cho phép hay cấm lắp trạm sạc, khiến địa phương gặp lúng túng khi triển khai.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; đồng thời chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương có ý kiến góp ý cụ thể cho các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển hạ tầng trạm sạc, gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp và hoàn thiện dự thảo trình HĐND TP.
Báo cáo cũng đề cập mô hình tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi bãi đỗ xe bắt buộc có trạm sạc, và các khu vực gần cao tốc có trạm sạc siêu nhanh, cho thấy hướng đi Hà Nội có thể tham khảo nếu muốn theo kịp xu hướng phát triển xe điện.
Trước đó Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc của HĐND TP Hà Nội.
Một số chính sách nổi bật tại dự thảo Nghị quyết gồm hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân có xe máy chạy xăng (đăng ký trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực) tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh (có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên).
Đề xuất dự kiến hỗ trợ 3 triệu đồng/xe đối với cá nhân thường, 4 triệu đồng/xe đối với hộ cận nghèo, 5 triệu đồng/xe đối với hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa 1 xe đến hết năm 2030. Bên cạnh đó là miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030.
Thuý Hạnh