Trước thềm lên thành phố trực thuộc TW, tỉnh nhỏ nhất cả nước này sẽ quy hoạch thêm 2 quận, 2 thành phố
Khi toàn tỉnh Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương, TP Bắc Ninh và Từ Sơn hiện tại sẽ trở thành quận, huyện Yên Phong và Tiên Du là thành phố.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, tỉnh nhỏ nhất cả nước này sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8% - 9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 346,6 triệu đồng.
TP Bắc Ninh và huyện Từ Sơn thành quận, Yên Phong và Tiên Du là thành phố
Cụ thể trong bản quy hoạch này, phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố gồm Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; hai thị xã là Quế Võ, Thuận Thành; hai huyện Lương Tài, Gia Bình.
Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với phương án quy hoạch hệ thống đô thị, thời điểm này toàn tỉnh có 12 đô thị: Một đô thị loại I, một đô thị loại II, 4 đô thị loại III và 6 đô thị loại V.
Trong đó, đô thị loại I là Đô thị Bắc Ninh, dự kiến trở thành quận. Đô thị loại II là Đô thị Từ Sơn, đô thị này cũng dự kiến trở thành quận. Ngoài ra, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong sẽ được phát triển trở thành hai thành phố trực thuộc tỉnh. Hai huyện định hướng lên thành phố này sẽ lên đô thị loại III đến năm 2030. Bên cạnh đó, thị xã Quế Võ và Thuận Thành, nay đang là đô thị loại IV, sẽ lên đô thị loại III vào năm 2030.
Như vậy, khi toàn tỉnh Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương, TP Bắc Ninh và Từ Sơn hiện tại sẽ trở thành quận, huyện Yên Phong và Tiên Du là thành phố.
Phát triển kinh tế thông qua QL1A và TL295B, Vành đai 4
Song song với hoạt động quy hoạch, để đạt mục tiêu lên thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030, tỉnh đang dồn lực đầu tư hạ tầng, đáp ứng mục tiêu nâng cấp đô thị.
Theo đó, trong ngắn và dài hạn, Bắc Ninh sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế và bảo vệ cảnh quan, môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin vào QH và xây dựng các đô thị, công trình thông minh, từng bước tiến tới xây dựng tỉnh là đô thị thông minh, sinh thái.
Với lợi thế nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, là đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội, lại nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh phát huy được lợi thế thông qua hoạt động xây dựng đô thị gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử, thương mại và kinh tế tri thức.
Tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: Trục phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất của Bắc Ninh và Hà Nội thông qua QL1A và TL295B. Đây là trục dịch vụ, đô thị động lực, công nghiệp tạo sự kết nối, tăng trưởng giữa Bắc Ninh và Thủ đô.
Tận dụng thế mạnh này, Bắc Ninh đang tập trung phát triển công nghiệp, đô thị - dịch vụ có các chức năng cấp vùng Thủ đô. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong vùng để thúc đẩy đầu tư các công trình hạ tầng kết nối cấp vùng, góp phần giảm sức ép cho Thủ đô Hà Nội. Việc phát triển đô thị Bắc Ninh gắn với các chức năng cấp Vùng Thủ đô có ý nghĩa quan trọng trong hành trình toàn tỉnh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Đáng chú ý, Bắc Ninh là tỉnh có dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội đi qua. Đoạn qua địa phận tỉnh dài hơn 35km, đi qua 3 huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh. Hiện nay đã giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 93,87%; phấn đấu di chuyển 100% các phần mộ thuộc phạm vi GPMB dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trước Tết Nguyên đán.
Dự án hoàn thành sẽ là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội, cải thiện năng lực cạnh tranh, hình thành chuỗi đô thị mới rất tiềm năng Vùng Thủ đô.