Trưởng ban truyền thông Đặng Anh Tuấn làm Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban truyền thông Vietnam Airlines được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc từ ngày 01/7/2023.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, MCK: HVN, sàn HoSE) vừa thông báo về việc thay đổi nhân sự. Cụ thể, hãng bay này vừa bổ nhiệm ông Đặng Anh Tuấn- Trưởng ban truyền thông làm Phó Tổng Giám đốc từ ngày 01/7/2023. Trước đó, ông Tuấn đã có nhiều năm công tác tại hãng hàng không quốc gia và giữ chức Trưởng ban truyền thông.
Với việc tham gia của ông Đặng Anh Tuấn, ban điều hành của Vietnam Airlines hiện có 9 người, trong đó, ông Lê Hồng Hà là Tổng Giám đốc.
Các Phó Tổng Giám đốc hiện nay của Vietnam Airlines gồm các ông Trịnh Hồng Quang, Trịnh Ngọc Thành, Nguyễn Chiến Thắng, Tô Ngọc Giang, Đinh Văn Tuấn, Nguyễn Thế Bảo, Lê Đức Cảnh.
Theo bản cung cấp thông tin của Vietnam Airlines, ông Đặng Anh Tuấn sinh năm 1973, hiện nắm giữ 19.711 cổ phiếu HVN, tương đương 0,00089%. Những người có liên quan đến ông Tuấn đang sở hữu cổ phần gồm: bà Nguyễn Diệu Thúy (vợ), nắm giữ 2500 cổ phiếu; bà Đặng Thị Thu Hà (em gái) nắm giữ 6.520 cổ phiếu; Hoàng Ngọc Chí (em rể) nắm 1.920 cổ phiếu
Cũng liên quan đến thay đổi nhân sự tại Vietnam Airlines, mới đây, ông Mai Hữu Thọ đã có đơn từ nhiệm vị trí thành viên Ban Kiểm soát để nghỉ hưu. Ông Thọ nghỉ vào ngày 30/6 và được hưởng chế độ hưu trí theo quy định.
Trong một diễn biến khác, Tính đến hiện tại, Vietnam Airlines vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 và dự kiến lùi sau ngày 30/6 với lý do “công ty cần có thêm thời gian chuẩn bị”.
Tổng công ty sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội vào ngày 11/7, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 10/7. Ngày tổ chức dự kiến trước ngày 30/8.
Bên cạnh đó, hãng bay này cũng chưa nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022. HVN lý giải mình là công ty có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 đơn vị trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài) cùng 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Doanh nghiệp đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong điều kiện như vậy, công ty cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.
Đối với công ty mẹ, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.
Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, hãng hàng không quốc gia đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận (có điều kiện) cho phép được giảm giá hàng hóa dịch vụ, giãn hoãn các khoản thanh toán.
Do có các điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán.