Truy tố bà Châu Thị Mỹ Linh về việc khai thác than trái phép trong thời gian dài
Bị can Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc CTCP Yên Phước cùng các đối tượng có liên quan bị truy tố về hành vi khai thác than trái phép. Bà Linh còn được biết đến là “bà trùm" bất động sản TP. HCM.
Truy tố “Bà trùm” bất động sản TP. HCM
Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn thành cáo trạng truy tố bà Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc CTCP Yên Phước) về các tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Tổng cộng có 33 bị can bị truy tố trong vụ án về nhiều tội khác nhau, trong đó, bị can Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty Yên Phước bị truy tố 2 tội "vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, “mua bán trái phép vật liệu nổ" và bị xác định chủ mưu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra còn có các ông Nguyễn Ngô Quyết (cựu Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Văn Phong và Đỗ Huy Cương (cùng là cựu Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương tỉnh) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”.
Các bị can Nguyễn Thanh Tuấn (cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Thế Giang (cựu Phó Giám đốc Sở); Lại Trung Hiếu (Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT); Cao Sỹ Linh (chuyên viên Phòng Khoáng sản) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cặp song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang bị truy tố 2 tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “mua bán trái phép hóa đơn".
Được biết, CTCP Yên Phước đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản. Tháng 3/2019, Công ty Đông Bắc Hải Dương và bà Châu Thị Mỹ Linh thỏa thuận việc khai thác than tại mỏ than Minh Tiến.
Theo đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương mua toàn bộ số than Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn tại ở mỏ với giá 9,95 tỷ đồng. Sau đó Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm, gấp 47 lần trữ lượng được cấp phép và phải trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước theo tấn sản phẩm khai thác là 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen.
Theo cáo trạng, bà Linh đã chỉ đạo khai thác, thỏa thuận, thống nhất ký hợp đồng dịch vụ, chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép than tại mỏ này với tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm.
Con số này gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm, vượt quá tổng sản lượng khai thác cấp phép là hơn 3 triệu tấn. Số than và khoáng sản đi kèm đã tiêu thụ được xác định là hơn 1,1 triệu tấn than, hơn 330 ngàn m3 bã sàng và hơn 95 ngàn m3 đá đen, với tổng trị giá hơn 174 tỷ đồng Công ty được xác định đã thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bị can Mỹ Linh cũng đồng ý với việc bán trái phép gần 3.000 kg thuốc nổ và gần 11.000 kíp cho Đỗ Văn Vĩnh và Lương Văn Tiến để khai thác trái phép tại Khu A, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng.
Các đối tượng liên quan
Cặp song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang được xác định là người tích cực trong việc tham gia góp vốn, có vai trò chủ mưu trong việc bàn bạc, thống nhất việc khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, vượt quá tổng sản lượng được cấp phép.
Để tiêu thụ số than khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến, 2 đối tượng trên đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tại Nam Định và Hải Phòng. Tổng cộng mua 395 hóa đơn GTGT.
Ngoài ra, liên quan đến vụ án, loạt lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng bị cơ quan công tố xác định tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đó có bị can Nguyễn Thế Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên trực tiếp phụ trách đoàn công tác về khoáng sản và môi trường. Người này không trực tiếp kiểm tra nhưng đã ký văn bản gửi Công ty Yên Phước chỉ ghi nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, không ghi nội dung kiểm tra về khoáng sản; không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn.
Bị cáo Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước mà không chỉ đạo Đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế và yêu cầu phía công ty cung cấp sổ sách, chứng từ để xác định.
Kết quả điều tra đã phát hiện Công ty Yên Phước có 3 vi phạm là thất lạc mốc giới II; chưa cung cấp được bản đồ mặt cắt hiện trạng từ khi đi vào hoạt động cho tới thời điểm kiểm tra; chưa cung cấp đầy đủ văn bản, tài liệu, sổ sách để xác định sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.
Theo quy định tại Điều 39, Khoản 3 Điều 50 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3.4.2017 của Chính phủ thì các vi phạm này phải bị tiền phạt từ 90,5 triệu đồng đến 151 triệu đồng.
Song ông Giang đã không đưa vào kết luận kiểm tra khiến không phát hiện được Công ty Yên Phước đã khai thác than không đúng với nội dung giấy phép.