TS Lê Xuân Nghĩa: Các NHTW đang dồn dập mua vàng, lẽ ra Việt Nam nên mua vàng tăng dự trữ hơn là đưa ra bán đấu thầu
Vị chuyên gia cho rằng xoá bỏ chênh lệch giá vàng cần biện pháp thương mại hơn là đấu thầu vàng miếng. Ông đề xuất cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng.
Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024" sáng 16/4, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng đề cập đến vàng hoá là không cần thiết. Chúng ta chỉ gọi là vàng hoá khi vàng đi vào hệ thống ngân hàng (vàng trở thành tiền gửi, cho vay). Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. "Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hoá đã kế thúc. Kể cả dùng vàng để mua bất động sản, đó cũng không gọi là vàng hoá", ông nói.
Vấn đề hiện nay chỉ còn là chênh lệch giá vàng trong nước (SJC) và giá vàng thế giới. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn cao dẫn đến mất cân bằng cung cầu. Để bù đắp lại sự mất cân bằng đó thì một là buôn lậu, hai là tăng giá vàng trong nước lên.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thương hiệu khác cùng chất lượng cũng rất lớn. "Trên thế giới chỉ còn mỗi Việt Nam là Ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Vậy thì xoá bỏ sự độc quyền đó đi", ông Nghĩa nói.
Bình luận về việc NHNN chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng đây chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn, xoá bỏ chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
"Nhiều người lo nếu cho phép xuất nhập khẩu bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ. Nhưng thực tế, vàng nhập lậu xảy ra thời gian qua cũng cần đến ngoại tệ. Hơn nữa, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Về diễn biến giá vàng thế giới tăng kỷ lục, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên nghiên cứu tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu. Đây có thể là giải pháp tình thế ngắn hạn chứ không phải là biện pháp có tính căn cơ, dài hạn.