Từ 1/7, nếu chưa kịp xác thực sinh trắc học trong app ngân hàng, chuyển tiền sẽ gián đoạn ra sao?

Khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện giao dịch chuyển tiền thành công với giá trị dưới 10 triệu đồng nếu chưa cài đặt xác thực sinh trắc học trong app ngân hàng.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, từ 1/7 các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu phải được xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt. 

Cụ thể, các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu, một ngày không quá 20 triệu thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng vân tay hoặc khuôn mặt.

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó có chuyển bao nhiêu đi nữa.

Như vậy, đối với các giao dịch trên 10 triệu hoặc hạn mức trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì người dùng cần phải xác thực sinh trắc học mới có thể thực hiện được giao dịch.

Đối với các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp được tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cung cấp hoặc tại các đơn vị chấp nhận thanh toán do các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán chịu trách nhiệm lựa chọn, thẩm định, giám sát và quản lý với giá trị thanh toán dưới 100 triệu đồng trong một ngày sẽ không phải thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay. Nếu tổng giá trị thanh toán từ 100 triệu đồng trở lên, giao dịch sẽ bị gián đoạn nếu người dân không cập nhật thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay.

Đối với giao dịch thực hiện chuyển tiền giữa các ví điện tử hoặc nạp tiền vào ví điện tử, hay rút tiền từ ví điện tử, tổng số tiền mỗi lần thực hiện dưới 10 triệu hoặc một ngày không quá 20 triệu thì vẫn xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng vân tay hoặc khuôn mặt. Nhưng nếu giá trị vượt quá số tiền này, giao dịch sẽ bị gián đoạn khi người dân không cập nhật thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay.

Đối với giao dịch thực hiện chuyển liên ngân hàng ra nước ngoài, người dân buộc phải thực hiện cập nhật xác thực sinh trắc học vân tay trong app ngân hàng bởi nếu không, giao dịch sẽ bị gián đoạn.

Cũng theo Điều 2 của Quyết định 2345/QĐ-NHNN, khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Liên quan đến mốc giao dịch buộc phải xác thực sinh trắc học, tại Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" diễn ra mới đây tại TP. HCM, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho hay, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% tổng giao dịch và do một người thực hiện nhiều giao dịch nên số lượng người thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm không đến 10%. Và tổng số người có giao dịch trên 20 triệu/ngày chỉ chiếm có 0,56%.

Hơn nữa, ông Dũng cũng cho biết, không phải khi thực hiện xác thực để giao dịch trên 20 triệu đồng xong mà đến giao dịch 100.000 đồng sau đó lại phải làm sinh trắc học nữa. Bởi ở mức 20 triệu đồng, chúng ta xác thực xong sau đó không phải xác thực nữa, cho đến tận 20 triệu đồng tiếp theo. Ông Dũng nhấn mạnh thêm: "Nguyên tắc là không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng".

Thời gian vừa qua, các ngân hàng đồng loạt phát đi thông báo, yêu cầu khách hàng cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán ngân hàng được áp dụng từ 1/7 tới đây.

Để cài đặt sinh trắc học, khách hàng có thể mang Căn cước công dân gắn chip đến các điểm giao dịch của ngân hàng; hoặc có thể tự cài đặt online bằng cách truy cập ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng và thao tác theo các hướng dẫn của ngân hàng.

Theo các ngân hàng, việc yêu cầu xác thực sinh trắc học sẽ tăng cường độ phức tạp của quy trình giao dịch khi người dùng cần thực hiện thêm một bước xác thực và cung cấp thông tin sinh trắc học của mình khi chuyển khoản, nhưng điều này giúp tăng cường bảo mật, ngăn chặn việc truy cập trái phép và hạn chế tối đa khả năng bị lừa đảo, mang lại sự an tâm và tin tưởng cho người dùng khi sử dụng app ngân hàng.


Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT