Từ 1/7, tiền lương sẽ tăng thêm bao nhiêu?

Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 30%.

tu-17-tien-luong-se-tang-them-bao-nhieu-antt-1718604914.jpg
Theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Ảnh minh hoạ.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, từ ngày 1/7/2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

Thay vào đó, nhà nước xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, sau khi cải cách tiền lương, lương cơ bản của công chức viên chức sẽ chiếm khoảng 70% tổng lương.

Bên cạnh đó, từ 1/7, sẽ có 2 bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho công chức, viên chức thay thế cho bảng lương hiện tại.

Một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (giữ chức vụ lãnh đạo).

Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (không giữ chức vụ lãnh đạo).

Hiện tại, hệ thống bảng lương đang được Bộ Nội vụ gấp rút hoàn thiện, dự kiến nửa cuối tháng 6/2024 Bộ Nội vụ sẽ công bố làm căn cứ tính lương kể từ 1/7.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%/năm.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau 1/7, lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế, sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.

Mức lương tối thiểu sau 1/7 sẽ được áp dụng dựa vào bảng lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Theo đó, các địa phương sẽ được chia làm 4 vùng. Vùng I bao gồm các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh),... mức lương tối thiểu hiện nay sẽ là 4,68 triệu đồng. Với vùng IV là các đô thị nhỏ, mức lương tối thiểu vùng sẽ là 3,25 triệu đồng.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tháng, tương đương 6%. Như vậy, mức lương tối thiểu ở vùng I sẽ tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II sẽ là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III sẽ là 3,86 triệu đồng/tháng và vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT