Từ chức: Điều Elon Musk nên làm để cứu đế chế X!
'Thành thật mà nói, điều tốt nhất mà Twitter có thể làm để lấy lại vị thế trước đây là gạt Musk ra ngoài'.
Tesla đã mất dần đi sức hút trong năm nay khi nhu cầu xe điện suy yếu. Việc giá trị tài sản ròng của Elon Musk sụt giảm, trong khi cổ phiếu nhà sản xuất ô tô mất hơn 10% hồi năm ngoái, cũng đẩy vị tỷ phú giàu nhất hành tinh xuống vị trí thứ 4. Điều này dường như có nghĩa là X đang ‘tiến hóa ngược’ và quay trở lại thời kỳ Twitter cũ kỹ ngày xưa.
Gabor Cselle, cựu giám đốc dự án Twitter, nói với Business Insider: “Tôi nghĩ rằng mọi thứ hiện tại sẽ quay trở lại những điều cơ bản. Việc tạo ra thứ gì đó khác biệt đáng kể cho X vẫn chưa thực sự xảy ra”.
Trong những tuần gần đây, Twitter - xin lỗi, X - đã chứng kiến sự trở lại của các dấu tích màu xanh lam với những tài khoản có lượng lớn người theo dõi được xác minh. Điều này cho thấy “sự tuyệt vọng trong việc thu hút những người dùng nổi tiếng quay lại” nền tảng của Musk, theo Oliver Darcy của CNN.
Được biết, sau khi cắt giảm gần một nửa nhân viên, bộ máy đội ngũ tin cậy cũng như một số biện pháp an toàn nền tảng, X đang tái đầu tư, xây dựng một trung tâm kiểm duyệt nội dung mới ở Texas, thậm chí thuê mới 2 lãnh đạo để giám sát.
Theo David Camp, đồng sáng lập công ty tư vấn Metaforce, các động thái này dường như là một phần của nỗ lực thu hút các nhà quảng cáo quay trở lại nền tảng sau một cuộc di cư vì những phát ngôn căm ghét của Elon Musk.
“Hiện tại, các thương hiệu có rất nhiều sự lựa chọn để nhắm đối tượng quảng cáo chính xác. Phía các nền tảng xã hội theo đó bắt buộc phải chỉn chu bởi họ đang chịu sự giám sát từ phía công chúng”, bà Leesha Anderson nói.
Cũng theo Camp, khi Musk mua Twitter, ông “thể hiện rõ thái độ ung dung đối với cách vận hành của các doanh nghiệp truyền thống”, đồng thời không muốn bị “xiềng xích” trước sự năng động của một doanh nghiệp định hướng quảng cáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh thu tiếp tục sụt giảm, nỗ lực ‘đi lùi’ của Musk là hợp lý, dù không ai biết nó có hiệu quả hay không.
Theo BI, X đã mất 15% cơ sở người dùng trên toàn cầu kể từ khi Musk tiếp quản. Chính Musk cũng thừa nhận rằng nền tảng này đã mất khoảng 50% doanh thu quảng cáo. “Mỗi lần Musk mở miệng và nói điều gì đó gây tranh cãi, Twitter càng bị cho là một đối tác quảng cáo không đáng tin cậy. Đó là lý do tại sao họ tiếp tục mất doanh thu và gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà quảng cáo”, ông Camp nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng việc quay lại một nền tảng được kiểm duyệt kỹ càng và đáng tin cậy có thể giúp Musk lấy lại những gì đã mất. Điều này sẽ thúc đẩy người dùng quay lại với Twitter thay vì những lời hứa suông chưa thực hiện được của Musk (biến X trở thành siêu ứng dụng).
“Mức độ phù hợp về mặt văn hóa của Twitter đã bắt đầu suy giảm từ trước khi Musk tiếp quản. Có vẻ như nền tảng này không còn tồn tại nữa. Đó là một sự kết thúc bởi hàng ngàn vết cắt mà những vết thương đều do chính nó tự gây ra”, nhà phân tích Jasmine Enberg của Insider Intelligence nói.
Quỹ đạo đi xuống của Twitter được cho là giống Cybertruck. Trong một bài đăng trên blog vào tháng 12, chuyên gia PR Ed Zitron dự đoán rằng “sự nghiệp của Musk sẽ xấu đi nếu mọi thứ tồi tệ ở Twitter giống với sự ra mắt thảm hại của Cybertruck”.
Theo chuyên gia Camp, Musk chỉ có thể đổ lỗi cho bản thân, bất chấp những nỗ lực của ông nhằm biến nền tảng này trở thành một nơi thân thiện với thương hiệu hơn thông qua việc chiêu mộ Linda Yaccarino, cựu chủ tịch quảng cáo và quan hệ đối tác toàn cầu của NBCUniversal.
“Thành thật mà nói, điều tốt nhất mà Twitter có thể làm để lấy lại vị trí trước đây là gạt Musk ra ngoài”, ông Camp nói với Business Insider. “Hoặc trừ khi là Musk trưởng thành hơn, nếu không, tôi nghĩ sẽ chẳng có gì thay đổi”.
Rất ít sự thay đổi trong cách tiếp cận của Musk được ghi nhận kể từ khi bà Yaccarino xuất hiện. Nhiệm vụ của tân CEO này là giúp X lấy lại niềm tin của rất nhiều những nhà quảng cáo - những người lo ngại Musk và loạt chính sách ‘dở khóc dở cười’ của ông.
Cựu kỹ sư phần mềm Twitter Peter Clowes từng kỳ vọng Musk có thể mang lại nguồn năng lượng mới cho công ty - điều mà ông cảm thấy đôi khi là quá chậm. Tuy nhiên, người đàn ông này sau đó vẫn quyết định rời công ty vì vỡ mộng.
“Nó mang tính rất chủ quan. Cách tiếp cận chủ yếu phụ thuộc vào việc Musk cảm thấy như thế nào vào thời điểm đó”, Peter Clowes nói.
Cũng theo Esther Crawford, cựu nhân viên từng bị Twitter sa thải, Musk sử dụng trực giác trong hầu hết các quyết định. “Ông ý không dựa vào dữ liệu hay chuyên môn gì hết”.
Dưới thời cựu CEO Jack Dorsey, mục tiêu của Twitter là không trao quyền cho một người duy nhất. Đội ngũ tin cậy và an toàn bao gồm hàng trăm nhân viên trên khắp thế giới cùng chịu trách nhiệm và thực thi quy tắc này. Tuy nhiên, theo Erik Berlin, cựu giám đốc kỹ thuật bị sa thải của Twitter, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Musk tiếp quản. “Twitter trước đây sẽ xem xét tình hình kỹ càng, sau đó mới cắt giảm. Musk không bận tâm đến điều đó. Ông ta cắt giảm luôn”.
Không dừng lại ở đó, Musk còn nhiều lần bắt nhân viên cam kết “làm việc nhiều giờ ở cường độ cao” nếu không muốn bị nghỉ việc. Ông cũng ra quyết định rằng nhân sự Twitter sẽ không còn được bảo vệ bởi Project Guardian - chương trình gắn cờ các dòng tweet lăng mạ người dùng quan trọng, trong đó có KOLs và các chính trị gia. Musk giải thích rằng bất kỳ ai đảm nhận công việc tại Twitter đều nên dự phòng trước nguy cơ bị quấy rối trực tuyến.
“Tôi bị sốc trước mức độ quấy rối với mình và các nhân viên khác. Twitter không thực thi các quy tắc riêng của mình. Giám đốc điều hành của công ty đã thổi bùng ngọn lửa đó”, một cựu nhân viên nói.
Theo: BI, WSJ