Từ mức lỗ kỷ lục gần 18.000 tỷ vì đâu Bamboo Airways bỗng có lãi năm 2023 rồi dự kiến lỗ tiếp nghìn tỷ năm 2024?
Bamboo Airways dự kiến khai thác 9 tàu bay thân hẹp Airbus, có thể tăng lên 12 chiếc vào cuối năm 2024 và 18 chiếc đến cuối năm 2025 nếu điều kiện thị trường cho phép.
Ngày 17/7, Bamboo Airways đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Theo thông tin từ HĐQT công ty, hãng bay thu về 12.392 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, công ty này bất ngờ báo lãi gần 237 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ hơn 17.000 tỷ đồng.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo, công ty lãi lớn năm 2023 nhờ vào việc được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi với số tiền 4.100 tỷ đồng và thu nhập phát sinh từ việc được xóa nợ với tổng số tiền khoảng 1.272 tỷ đồng, sau khi bù trừ khoản dự phòng/trích trước chi phí sửa chữa lớn 1.813 tỷ đồng được hạch toán theo chuẩn mực kế toán mới.
Trong quãng thời gian qua, công ty cũng đã hoàn tất đàm phán trả 21 máy bay Airbus và 5 máy bay E190, qua đó giảm lỗ, giảm sức ép dòng tiền. Số tiền được xóa nợ do trả máy bay là 78,7 triệu USD, đồng thời được chuyển 9,5 triệu USD tiền quỹ bảo dưỡng đóng dư.
Bamboo Airways cũng cho biết đã thay đổi nhà cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất từ SAGS, HGS sang Pacific Airlines và triển khai tự phục vụ. Nhờ đó tiết kiệm 20% chi phí phục vụ mặt đất cho mỗi chuyến bay.
Đồng thời công ty đàm phán thành công về việc chuyển đổi hệ thống phục vụ hành khách (PSS) từ Amadeus sang Navitaire, dự kiến triển khai vào tháng 4-2025.
Tuy nhiên, sang năm 2024 Bamboo Airways lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 4.857 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2023. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến sẽ lỗ 1.387 tỷ đồng.
Công ty dự kiến khai thác 9 tàu bay thân hẹp Airbus, có thể tăng lên 12 chiếc vào cuối năm 2024 và 18 chiếc đến cuối năm 2025 nếu điều kiện thị trường cho phép. Đồng thời, Bamboo Airways đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lấp đầy trung bình từ 81% lên mức 85%, duy trì giờ khai thác tàu bình quân trên 12 BH/ngày/máy bay.
Trên cơ sở đội tàu được bổ sung từ nay đến cuối năm, Bamboo Airways dự kiến tăng tần suất các đường bay đang khai thác, mở lại một số đường bay nội địa như TPHCM – Đà Lạt, TPHCM – Thanh Hóa, TPHCM – Phú Quốc… và nghiên cứu tái khai thác một số đường bay thường lệ quốc tế như TPHCM – Bangkok (Thái Lan).
Để đảm bảo nhu cầu khai thác, Bamboo Airways cần được cung cấp bổ sung khoảng 1.690 tỷ đồng vốn trong 7 tháng cuối năm 2024, thông qua các giải pháp huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trong và ngoài nước theo quy định pháp luật.