Từ VMI, GSM đến V-GREEN: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lập 3 công ty riêng để 'san sẻ' khó khăn với các thành viên VinGroup

Trong vòng một năm trở lại đây, ông Phạm Nhật Vượng liên tục thành lập những doanh nghiệp mà vai trò lớn của chúng là chia sẻ những khó khăn về tài chính cho các thành viên hệ sinh thái Vingroup, góp vốn bằng cổ phiếu VIC.

Từ VMI, GSM đến V-GREEN: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lập 3 công ty riêng để 'san sẻ' khó khăn với các thành viên VinGroup- Ảnh 1.

Trước đây, các công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng như Vietnam Investment Group hay Asian Star thường được vị tỷ phú này lập ra để sở hữu cổ phiếu của các công ty trong hệ sinh thái Vingroup. Tuy nhiên trong vòng một năm trở lại đây nhà sáng lập của VinFast lại thành lập những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà vai trò lớn của chúng là chia sẻ những khó khăn về tài chính mà các thành viên hệ sinh thái Vingroup đang gặp phải.

Ngoài, trong năm 2023 vị tỷ phú này cũng đã cam kết tài trợ đến 1,5 tỷ USD không hoàn lại cho VinFast. 

CÔNG TY TRẠM SẠC ĐẢM NHẬN ĐẦU TƯ TOÀN BỘ HẠ TẦNG XE ĐIỆN

Ngày 18/3, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC), đã công bố thành lập công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.  Công ty V-GREEN do nhà sáng lập VinFast thành lập với tỷ lệ sở hữu 90% cổ phần, được tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của hãng xe điện VinFast. V-GREEN sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập trong vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn cầu.

Theo đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng xe điện, qua đó giảm tải áp lực tài chính và triển khai cho VinFast để hãng xe tập trung mở rộng thị trường và phát triển bền vững.

Giai đoạn đầu, V-GREEN sẽ trực tiếp tìm kiếm mặt bằng và đối tác để thiết lập, mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng điểm trên khắp thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác là đơn vị cung cấp trạm sạc bên thứ 3 để cung cấp dịch vụ sạc xe cho các chủ xe điện VinFast.

Tại Việt Nam, V-GREEN sẽ chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống trạm sạc sẵn có của VinFast, đồng thời sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống.

Từ VMI, GSM đến V-GREEN: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lập 3 công ty riêng để 'san sẻ' khó khăn với các thành viên VinGroup- Ảnh 2.

Trạm sạc của VinFast.

GSM - LỜI TUYÊN CHIẾN VỚI KỲ LÂN GRAB, GOJEK

Ngày 6/3/2023, ông Phạm Nhật Vượng đã công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM) – đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng đầu tiên trên thế giới. GSM hoạt động trong hai mảng chính, cho thuê ô tô, xe máy điện và lập hãng taxi điện, vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng, trong đó vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam góp toàn bộ bằng cổ phiếu VIC.

Theo bản đăng ký doanh nghiệp công bố ngày 24/1/2024, GSM hiện có vốn điều lệ 9.666 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với lúc mới thành lập. Hiện ông Nguyễn Văn Thanh đang là Tổng giám đốc của doanh nghiệp này. 

Từ VMI, GSM đến V-GREEN: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lập 3 công ty riêng để 'san sẻ' khó khăn với các thành viên VinGroup- Ảnh 3.

Không chỉ muốn giành thị phần tại Việt Nam, doanh nghiệp này còn muốn vươn ra khu vực Đông Nam Á và thế giới. Ngày 9/11/2023, đã mở rộng ra thị trường nước ngoài đầu tiên là Lào. Dịch vụ taxi điện của GSM sẽ hoạt động tại thủ đô Vientiane và một số tỉnh, thành phố khác như Luang Prabang, Savannakhet, Champasak ... trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo kế hoạch, Indonesia, Philippines sẽ là các thị trường tiếp theo trong chiến lược mở rộng 9 thị trường quốc tế của hãng đến năm 2025. Tại Indonesia, GSM thậm chí còn đưa ra mục tiêu sẽ đầu tư 900 triệu USD vào đất nước này.

Mới đây, theo báo cáo của Mordor Intelligence về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 2023 cho thấy, GSM hiện đã chiếm 18,17% thị phần, đứng thứ hai toàn ngành, đứng sau Grab. Theo đó, thị phần của GSM gấp đôi Be Group ở vị trí thứ 3 (9,21%), gấp hơn 3 lần so với Gojek ở vị trí thứ 4 (5,87%). Đây là một tín hiệu cho thấy tiềm năng của mảng kinh doanh này của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. 

VMI VÀ LỜI GIẢI ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN CHO NHÀ ĐẦU TƯ VỐN NHỎ 

Ngày 6/10/2022, ông Phạm Nhật Vượng đã thành lập CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI. Vị tỷ phú này sẽ góp vốn vào VMI JSC bằng hơn 243 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 16.200 tỷ đồng theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/9/2022. Như vậy, ông Vượng sẽ là cổ đông chính, chiếm 90% cổ phần của VMI JSC. Công ty này cũng sẽ trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup.

Theo đại diện VMI, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nhà đầu tư vốn nhỏ tham gia mua, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp của Vinhomes.

Công ty này sẽ mua các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản được chia thành 50 phần. Các khách hàng có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Người hợp tác với VMI JSC được công ty chứng nhận quyền tài sản và phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.

Trong thời gian hợp tác kinh doanh, VMI tính toán để đưa ra các chính sách hợp tác đầu tư linh hoạt dựa trên thực tế thị trường, đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư. Cụ thể là nhà đầu tư sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích từ việc gia tăng giá trị của bất động sản trong thời gian đầu tư, đồng thời được VMI cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hàng năm để đảm bảo nhà đầu tư vẫn có thu nhập cố định trong trường hợp thị trường biến động bất lợi. Các chính sách hợp tác đầu tư sẽ được VMI công bố công khai trên nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến.

Từ VMI, GSM đến V-GREEN: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lập 3 công ty riêng để 'san sẻ' khó khăn với các thành viên VinGroup- Ảnh 4.

sản phẩm đầu tư của VMI là các dự án của Vinhomes.

 Bên cạnh 3 công ty trên, Vietnam Investment Group từ lâu được biết đến là công ty đầu tư cá nhân chủ chốt của ông Phạm Nhật Vượng. Vietnam Investment Group hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 32,6% cổ phần của Vingroup. Công ty này cũng đang nắm giữ 33,48% vốn của VinFast Singapore - doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại Mỹ.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng Vượng còn sở hữu Asian Trading & Investment, doanh nghiệp cũng đang nắm giữ 15% vốn của VinFast Singapore.


Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT