Từng bị "quay lưng", một cổ phiếu bất ngờ được khối ngoại tung gần nghìn tỷ mua vào trong tuần đầu tháng 5

Nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay bán ròng gần nghìn tỷ trong phiên đầu tháng, sau đó trở lại mua ròng vào ngày 3/5.

Hai phiên giao dịch đầu tháng 5 sau kỳ nghỉ lễ dài ghi nhận diễn biến tương đối tích cực. Chỉ số VN-Index duy trì sắc xanh tại thời điểm đóng cửa cả hai ngày, tổng cộng tăng 10,51 điểm lên mức 1.221,03 điểm. Đặc biệt phiên cuối tuần 3/5 đã diễn ra hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF với tâm điểm tại rổ VNDiamond khi cổ phiếu MWG chính thức rời rổ, thay vào đó là BMP. Dù ghi nhận rung lắc song chỉ số chính vẫn bảo toàn đà tăng tốt.

Trong bối cảnh đó, khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng với giá trị sau 2 phiên đạt 378 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay bán ròng gần nghìn tỷ trong phiên đầu tháng, sau đó trở lại mua ròng vào ngày 3/5. Xét theo từng kênh, khối ngoại giao dịch tích cực khi mua ròng 294 tỷ qua khớp lệnh, tuy nhiên nhóm NĐTNN lại bán ròng 672 tỷ đồng thoả thuận.

photo-1714764501183

Xét riêng từng sàn trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 313 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 11 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 76 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Thống kê theo các mã chứng khoán, tâm điểm bán ròng tuần này ghi nhận tại cổ phiếu ngành nước BWE với 464 tỷ, hầu hết là giao dịch thoả thuận. Mã chứng chỉ quỹ FUESSVFL cũng bị bán ròng với giá trị 256 tỷ. Cổ phiếu chứng khoán SSI cũng bị bán ròng gần 95 tỷ, tương tự CTG bị bán ròng 82 tỷ đồng. Hai mã VPB và DIG cũng bị bán ròng lần lượt 61 tỷ và 58 tỷ.

Danh sách bán ròng còn ghi nhận HDB với giá trị bán ròng 49 tỷ đồng. Danh sách bán ròng của khối ngoại trong tuần qua còn có HCM, MCH, GVR...

photo-1714764494339

Chiều ngược lại, cổ phiếu MWG tiếp tục dẫn đầu danh sách được khối ngoại mua ròng mạnh nhất tuần với 785 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh khi mua 930 tỷ và bán ra hơn 144 tỷ.

Dòng vốn ngoại cũng chảy vào hai cổ phiếu là PDR và VCB với giá trị khoảng 77 tỷ đồng và 70 tỷ sau 2 phiên của tuần qua. Lực mua ròng trong tuần qua còn ghi nhận MSN, VNM, BID, HPG, SAB... với giá trị vài chục tỷ đồng tại mỗi mã.

Bắc Kiên

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT