Tỷ giá bất ngờ "nóng" trở lại tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?

Tỷ giá tăng khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại, bởi điều này có thể tác động trực tiếp tới ổn định kinh tế vĩ mô và dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Từ đầu năm đến nay, câu chuyện tỷ giá rục rịch "nóng" trở lại. Cụ thể, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.017 VND, tiến về gần hơn với mức tỷ giá trung tâm cao lịch sử 24.700 VND ghi nhận vào năm 2022. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 146 VND/USD, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 25 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND cũng đang giao dịch tại vùng cao lịch sử (kỷ lục, mỗi USD bán ra tại ngân hàng thương mại thiết lập hồi năm 2022 là 24.876 VND). Như tại Vietcombank, tỷ giá mua vào (chuyển khoản) – bán ra quanh mức 24.510 VND và 24.850 VND/USD. So với đầu năm tăng 430 VND, tương ứng tăng 1,8%.

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-06 lúc 14.43.07.png

Nguồn: Pricedancing.com

Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng tỷ giá biến động trong bối cảnh đồng USD vẫn duy trì sức mạnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa hạ lãi suất như kỳ vọng trước đó. Tỷ giá tăng khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại, bởi điều này có thể tác động trực tiếp tới ổn định kinh tế vĩ mô và dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Bên lề Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS nhìn nhận từ đầu năm đến nay, tỷ giá cũng tiếp tục trong xu hướng tăng cao trở lại. Tỷ giá trên thị trường tự do thời gian vừa rồi đã vượt trên ngưỡng 25.000 đồng, tỷ giá liên ngân hàng cũng đang tăng nhanh trở lại.

Trong trường hợp tỷ giá biến động quá khoảng 2,7 - 3% có thể tạo ra một nhịp điều chỉnh đối với thị trường chứng khoán. Điển hình như giai đoạn năm 2022 khi tỷ giá tăng vọt lên mức rất cao cũng đồng thời là một giai đoạn bán rất mạnh của nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Gần nhất, năm 2023 cũng có giai đoạn nửa cuối năm tỷ giá cũng tăng khá cao.

Theo chuyên gia, ba yếu tố tác động đến tỷ giá giai đoạn hiện tại. Đầu tiên vẫn từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức rất cao khoảng 500 điểm cơ bản.

Thứ hai, sự chênh lệch tại những tài sản như vàng. Trong thời gian vừa qua, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đang ở mức khá cao, tạo ra một cái nhu cầu rất là lớn để nhập khẩu vàng, trong đó có vàng trang sức, vàng nhẫn. Đây cũng là yếu tố khiến nhu cầu USD tăng cao trong thời điểm ngắn hạn, gây ra ảnh hưởng đến tỷ giá.

Thứ ba, câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm ngoái cũng là một yếu tố khiến nhu cầu USD trên thị trường căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, trong năm 2024 Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cũng đã thấy được vấn đề, một số tín hiệu cần theo dõi trong thời gian tới. Trong đó, Fed có thể sẽ hạ lãi suất vào giữa năm nay, làm giảm bớt chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD, có thể giúp giảm bớt áp lực cho tỷ giá.

Về biến động giá vàng trong thời gian gần đây, Chính phủ có thể sẽ sớm sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng trong thời gian tới để đảm bảo cung ứng vàng cho nhu cầu mua tiêu dung, giảm bớt sự chênh lệch. Điều này có thể giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Về mặt cân đối vĩ mô, xuất khẩu đang tăng tốc trở lại và thặng dư từ xuất khẩu vẫn duy trì ởmức tốt. Vốn FDI vào Việt Nam cũng tăng trưởng dương cùng dòng vốn kiều hối là những nguồn cung USD trên thị trường. Dự trữ ngoại hối Việt Nam trong giai đoạn hiện tại khá tốtvà sẽ là một trong những yếu tố giúp tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục giữ ổn định trong năm nay, mặc dù có thể sẽ vẫn mất giá nhẹ.

Trên bình diện quốc tế, theo quan sát của chuyên gia VPBankS cho thấy rất nhiều đồng tiền trong khu vực Châu Á đều mất giá sâu, ví dụ như là đồng KRW của Hàn Quốc, đồng yên Nhật thậm chí EUR, GBP. Do đó, đồng nội tệ của Việt Nam giữ được ở mức giảm giá nhẹ đã là một thành công trong năm nay.

Kết luận về tác động của biến động tỷ giá, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng tỷ giá các năm đều thường mất giá, đâu đó sẽ ổn định ở dưới khoảng 2%. Nếu giữ ổn định ở mức này, sẽ không tác động quá nhiều, trong khi có thể vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh chung toàn cầu.

"Nếu tỷ giá bị mất giá trên 3% sẽ tác động đối với nền kinh tế khi mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp bất lợi hơn về mặt chênh lệch tỷ giá và có thể sẽ bị hạch toán lỗ do chênh lệch tỷ giá. Mặt khác, tỷ giá biến động sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể sẽ làm cho nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn khi mà tỷ giá biến động mạnh", chuyên gia VPBankS cho biết.

Mai Chi

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT