Tỷ giá USD tăng hết biên độ, NHNN có bao nhiêu dự trữ ngoại hối để can thiệp?

Được coi là “tấm đệm” ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối luôn được Ngân hàng Nhà nước tăng cường tích trữ trong nhiều năm qua.

Tỷ giá USD tăng hết biên độ, NHNN có bao nhiêu dự trữ ngoại hối để can thiệp?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khác với các năm trước, tỷ giá USD/VND liên tục chịu áp lực tăng trong những tháng đầu năm 2024 và đã tăng khoảng 3,8% kể từ đầu năm. Ghi nhận trong phiên sáng 16/4, giá bán USD tại Vietcombank và VietinBank đều được niêm yết ở mức tối đa cho phép là 25.348 đồng, trong khi tại BIDV cũng chỉ còn cách mức trần được phép giao dịch 2 đồng.

Giá bán USD tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techombank, MB, ACB và Eximbank cũng tăng hết biến độ, lên mức 25.348 đồng.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá USD tại một loạt ngân hàng lớn tăng kịch trần. Đồng thời, giá bán USD của các ngân hàng hiện đã vượt khá xa mức giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (25.298 đồng). 

Với việc các ngân hàng đưa giá USD lên sát trần cho phép cũng như vượt xa mức giá bán tại Sở Giao dịch, NHNN nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ can thiệp.

Trước đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng và NHNN sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu cần thiết.

NHNN có bao nhiêu dự trữ ngoại hối?

Được coi là "tấm đệm" ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối luôn được Ngân hàng Nhà nước tăng cường tích trữ trong nhiều năm qua.

Dữ liệu được NHNN công bố gần nhất cho thấy, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt mức trên 109,9 tỷ vào cuối năm 2021 USD gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối ghi nhận năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi đạt kỷ lục vào đầu quý I năm 2022, dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh trong năm 2022 do NHNN phải bán một lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Theo ước tính của Chứng khoán VnDirect và một số đơn vị phân tích trong nước, NHNN đã bán ra khoảng 20% dự trữ ngoại hối, xuống còn khoảng 89 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Còn theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối năm 2022 ở mức 86,7 tỷ USD. Con số này giảm khoảng 22,7 tỷ USD so với cuối năm 2021.

Sau khi bán ra lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá, từ đầu năm 2023, NHNN bắt đầu mua ngoại tệ trở lại khi tỷ giá trong nước quay đầu giảm. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5/2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan này đã mua vào khoảng 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023.

Uớc tính theo dữ liệu của các đơn vị phân tích trong nước và IMF cùng với lượng ngoại tệ mà NHNN mua được trong đầu năm 2023, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến đầu tháng 5/2023 có thể đạt khoảng 93 – 95 tỷ USD. Từ đó tới nay, NHNN không thông tin thêm về số lượng ngoại tệ mua vào và bán ra.

Còn theo CEIC Data (nguồn dữ liệu đáng tin cậy trên thế giới), dự trữ ngoại hối không bao gồm vàng của Việt Nam tính đến tháng 9/2023 là 87,6 tỷ USD. Nếu tính cả vàng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt gần 90,1 tỷ USD tại thời điểm cuối quý 3/2023.

Trong khi đó, Tổ chức xếp hàng tín nhiệm Moody's từng dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, không bao gồm vàng của Việt Nam có thể đạt mức 95 tỷ USD vào cuối năm 2023, khi Ngân hàng Nhà nước tích cực xây dựng lại kho dự trữ của mình.

Tại thông cáo công bố ngày 27/9/2023, IMF ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên mức 98,7 tỷ USD vào cuối năm 2023 và 110,5 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.

Quang Hưng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT