"Tỷ lệ chọi vào Vinamilk là 1/342": CEO Mai Kiều Liên lý giải tại sao ứng tuyển Vinamilk khó ngang đại học danh tiếng

CEO Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết, việc tuyển chọn nhân sự khắt khe xuất phát từ triết lý coi con người là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững.

Theo công bố từ hãng sữa lớn nhất Việt Nam, tỷ lệ chọi trung bình ở một số vị trí có thể lên đến 1/342 người, và với những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao, tỷ lệ này còn gấp đôi.

Đơn cử như vị trí Marketing, tỷ lệ chọi hiện tại là 1/342 – vượt qua nhiều ngành học tại các trường đại học top đầu. Với các vị trí như Phân tích dữ liệu (Data Analyst), Sáng tạo nội dung (Content Creator), Quản lý thương hiệu (Master Brand Manager), Thiết kế (Design), mức độ cạnh tranh còn khốc liệt hơn, khi số hồ sơ nộp vào cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển dụng.

"Không chỉ Vinamilk, hiện nay thị trường lao động nói chung có sự cạnh tranh rất lớn. Doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển được người tốt nhất, vì con người là yếu tố quyết định tất cả", CEO Mai Kiều Liên nói.

Theo bà, yêu cầu tuyển dụng tại Vinamilk không chỉ nằm ở năng lực chuyên môn mà còn phụ thuộc vào mức độ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp – điều được quy định rõ thông qua bộ "10 chất Vinamilk".

"Chúng tôi đánh giá ứng viên và cả cán bộ nhân viên theo 10 phẩm chất cốt lõi. Đó là trách nhiệm, năng động, sáng tạo, đầy đủ kiến thức, và khả năng hòa hợp với người khác vì mục tiêu chung. Ai chưa đạt thì cố gắng hoàn thiện. Công ty cũng tạo điều kiện để mọi người cải thiện bản thân", bà nói. 

"Tỷ lệ chọi vào Vinamilk là 1/342": CEO Mai Kiều Liên lý giải tại sao ứng tuyển Vinamilk khó ngang đại học danh tiếng- Ảnh 1.

Ngoài việc tuyển chọn nhân sự khắt khe, tỷ lệ nghỉ việc của Vinamilk cũng thấp so với các doanh nghiệp khác. Theo báo cáo tài chính, hiện có gần 9.850 nhân viên, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2006. Dữ liệu nội bộ cho thấy, tỷ trọng lao động Gen Y và Z tại doanh nghiệp này tiếp tục tăng mạnh, từ 63,7% lên 66% chỉ trong vòng một năm. Đáng chú ý, gần 20% cấp quản lý tại đây thuộc độ tuổi 25–35.

"Có những bạn vào làm từ khi mới ra trường, giờ đã chuẩn bị nghỉ hưu sau hơn 30 năm. Tôi nghĩ, đó là minh chứng rõ nhất cho việc Vinamilk là môi trường lý tưởng với giới trẻ", CEO Vinamilk nói.

Song song, Vinamilk cũng đầu tư đào tạo dài hạn cho đội ngũ. Từ đầu những năm 2000, doanh nghiệp triển khai chương trình học bổng toàn phần cho sinh viên ngành sữa học tập tại Nga. Những sinh viên có điểm đầu vào cao được lựa chọn và tài trợ toàn bộ chi phí học tập trong vòng 6 năm tại các chuyên ngành như tự động hóa, chế biến thực phẩm, kỹ thuật sữa...

"Lứa đầu tiên có mười mấy người, giờ hầu hết đã là giám đốc. Tôi quan niệm muốn phát triển thì phải bắt đầu từ thực tế, từ nhà máy đến phòng thí nghiệm. Làm tốt sẽ được đề bạt dần từ quản đốc đến giám đốc", đại diện chia sẻ.

Tính đến nay, 52 sinh viên đã được đào tạo thông qua chương trình này – phần lớn trong số họ đang giữ các vị trí quản lý chủ chốt tại công ty.

Năm ngoái, Vinamilk đạt 61.824 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 9.453 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,2% và 4,8%. Kế hoạch năm 2025, công ty đề ra mục tiêu 64.505 tỷ đồng doanh thu và 9.680 tỷ đồng lợi nhuận, tăng tương ứng 4,3% và 2,4%. Nếu đạt mục tiêu này, doanh nghiệp sẽ có 4 năm tăng trưởng liên tiếp và thiết lập kỷ lục doanh thu mới.

Thảo Vân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT