Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có thêm một doanh nghiệp tỷ đô sau động thái hạn chế xuất khẩu khoáng sản từ phía Trung Quốc
Cổ phiếu trong hệ sinh thái tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã tăng đến 114% kể từ đầu tháng 2.
Phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Materials đã tăng mạnh trở lại sau hai phiên giảm sâu. Đến cuối phiên giao dịch, thị giá MSR tăng kịch trần 15% đạt mức giá 23.200 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt hơn 5,5 triệu đơn vị.
Kể từ đầu tháng 2 cho đến nay, thị giá của MSR đã tăng đến 114%. Ở mức giá 23.200 đồng/cp, Masan High-Tech Materials đã trở thành doanh nghiệp thứ 3 trong hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cán mốc vốn hóa tỷ đô (25.500 tỷ đồng), sau Masan Group và Masan Consumer.

Cổ phiếu MSR bắt đầu tăng mạnh sau thông tin Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ, động thái được xem như sự "trả đũa" sau các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Báo cáo của VDSC nhận xét về xu hướng giá Tungsten năm 2025 - vật liệu được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự với mục đích sản xuất vũ khí. Ngoài ra, loại vật liệu này còn đóng vai trò thiết yếu cho nhiều ngành công nghệ mang tính đột phá như dầu khí, năng lượng, ô tô, hàng không… bởi tính dẫn điện và tính trơ hóa học tương đối cao của nó. VDSC cho rằng giá các sản phẩm Tungsten sẽ tăng giá trong ngắn hạn.

MSR có thể là doanh nghiệp được hưởng lợi từ thông tin trên, tuy nhiên chỉ ở mức vừa phải do đã thanh lý khoản đầu tư vào H.C. Starck – chuyên tinh luyện các sản phẩm Tungsten trung/hạ nguồn (như bột Cacbua Vonfram) – các sản phẩm hưởng lợi trực tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ngày 04/02/2025, Trung Quốc đã công bố lệnh kiểm soát xuất khẩu nhắm vào năm loại kim loại được sử dụng trong ngành quốc phòng, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp khác chỉ vài phút sau khi mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt có hiệu lực. Trong năm kim loại có sự hiện diện của Tungsten, cụ thể Trung Quốc đã hạn chế sản xuất tám loại sản phẩm sản xuất từ Tungsten.
Theo VDSC, Tungsten không được khai thác thương mại tại Mỹ kể từ năm 2015. Quốc gia này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu Tungsten trung nguồn (APT, oxit tungsten…), chủ yểu từ Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm ứng dụng Tungsten thay vì nhập tinh quặng Tungsten (sơ cấp) để luyện.
Với vị thế là Top 2 tiêu thụ Tungsten trung/hạ nguồn của Mỹ trên thế giới, do tính quan trọng của Tungsten trong phát triển kinh tế, VDSC cho rằng Mỹ cần tìm nguồn nguyên liệu thay thế để đáp ứng sức cầu Tungsten trung nguồn lớn của mình.

Bên cạnh đó, xét về cơ cấu thị trường Tungsten theo quốc gia, Trung Quốc là quốc gia khai thác, nhập khẩu quặng Tungsten lớn nhất thế giới hiện nay, nhưng cũng là nước tiêu thụ Tungsten trung nguồn lớn nhất thế giới. Điều này là do nhu cầu nội địa khổng lồ đối với bột cacbua tungsten trong giao thông vận tải, công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm phát triển kinh tế từ năm 2000 đến nay.
Cộng hưởng việc Trung Quốc nhập khẩu quặng Tungsten nhiều để sản xuất và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu một lượng lớn Tungsten trung nguồn (APT, bột Tungsten) và sản phẩm hợp kim thép Tungsten hạ nguồn sang các quốc gia lớn như Mỹ. Do đó, theo VDSC, các vấn đề xoay quanh dòng chảy sản xuất-thương mại Tungsten tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn tới diễn biến giá Tungsten thượng/trung/hạ nguồn.
VDSC dự đoán ba kịch bản hành động của Mỹ có thể xảy ra liên quan vấn đề này:
(1) Thay đổi dòng chảy nhập khẩu Tungsten trung nguồn của Mỹ từ Trung Quốc sang một nước thứ ba có liên quan đến Trung Quốc (có khả năng thực hiện nghiệp vụ nhập vào-bán lại Tungsten từ Trung Quốc để hưởng chênh lệch giá). Kịch bản này có xác suất xảy ra cao nhất và khiến giá Tungsten tăng trong ngắn hạn.
(2) Tìm kiếm lựa chọn thay thế sản phẩm Tungsten trung nguồn ở các quốc gia khác không có yếu tố Trung Quốc như Việt Nam. Kịch bản này khó đáp ứng toàn bộ nhu cầu tại Mỹ khi sản lượng Tungsten trung nguồn ngoài Trung Quốc ở mức thấp.
(3) Tìm kiếm các mỏ quặng Tungsten thượng nguồn tiềm năng ở nội địa/nước khác để làm chủ chuỗi giá trị. Tuy nhiên, điều này khó hiện thực hóa trong ngắn hạn khi các Công ty tại Mỹ chưa kịp chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi này.
Tựu chung lại, VDSC hướng đến kịch bản giá các sản phẩm Tungsten sẽ tăng giá trong ngắn hạn. MSR có thể là doanh nghiệp được hưởng lợi từ thông tin trên nhưng ở mức độ vừa phải do đã thanh lý khoản đầu tư vào H.C. Starck – chuyên tinh luyện các sản phẩm Tungsten trung/hạ nguồn (như bột Cacbua Vonfram) – các sản phẩm hưởng lợi trực tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thay vì Tungsten quặng tinh thượng nguồn.
MSR sau khi thanh lý khoản đầu tư H.C. Starck, chỉ còn khai thác, kinh doanh các sản phẩm Tungsten thượng nguồn như tinh quặng Tungsten hoặc APT thay vì các sản phẩm chế biến sâu khác như bột Tungsten, thép hợp kim.
Trọng Hiếu