Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: 'Nhà đầu tư đi cùng Vietjet từ những ngày đầu tiên tăng trưởng tài sản lên tới gần 100 lần"
Những nhà đầu tư đi cùng Vietjet từ ngày niêm yết trên HoSE đã chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng khoảng 5 lần. Còn những ai đồng hành từ thời điểm sớm hơn, khoảng 5 năm trước đó, mức tăng trưởng lên tới gần 100 lần, theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Tại Techcombank Investment Summit 2025 sáng 9/7, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo – Nhà sáng lập Sovico cho biết Nghị quyết 68 vừa được ban hành vào tháng 5 năm nay, đã khẳng định vai trò tiên phong của khu vực kinh tế tư nhân trong việc tạo lập năng lực kinh doanh và việc làm quốc gia.
Dẫn chứng về vai trò tiên phong của khối doanh nghiệp tư nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo kể câu chuyện về những mảnh ghép trong hệ sinh thái Sovico. Trong đó, bà khẳng định, với Vietjet, hãng đã mở ra cánh cửa bầu trời để kết nối Việt Nam với thế giới.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại Techcombank Investment Summit 2025 sáng 9/7.
Phần chia sẻ của bà Thảo ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của 500 khách mời trong khán phòng khi cho biết, bộ vest ngày hôm nay mặc lên phát biểu là trang phục được dùng trong ngày đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Vietjet trên sàn chứng khoán HoSE.
Từ mốc IPO đó, Vietjet trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân niêm yết có ảnh hưởng nhất trên thị trường. "Những nhà đầu tư đi cùng chúng tôi từ ngày đó đến nay đã chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng khoảng 5 lần. Còn những ai đồng hành từ thời điểm sớm hơn, khoảng 5 năm trước đó, mức tăng trưởng lên tới gần 100 lần", bà nói.
Hiện, Vietjet sở hữu hơn 120 tàu bay hiện đại và đã đặt hàng hơn 400 máy bay thế hệ mới – đưa hãng vào nhóm ba tập đoàn hàng không có đơn hàng tàu bay lớn nhất toàn cầu, trong bối cảnh thị trường đang khan hiếm máy bay.
Tính từ khi thành lập, Vietjet đã vận chuyển hơn 220 triệu lượt hành khách, mở ra cơ hội bay cho hàng triệu người dân. Hãng cũng là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi từ vé giấy sang vé điện tử, phát triển mạng bay từ nội địa đến quốc tế.
Riêng trong năm 2024, hãng vận chuyển 28 triệu lượt khách, trong đó gần 10 triệu là hành khách quốc tế. Mạng bay của Vietjet đã mở rộng tới các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Kazakhstan và Australia – kết nối Việt Nam với các trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa của gần 4 tỷ người dân toàn cầu.
"Chúng tôi mang phở Thìn, bánh mì Việt Nam lên máy bay như một lời mời tự hào gửi đến bạn bè quốc tế", bà Thảo chia sẻ. Đồng thời, Vietjet cũng "đánh chuông xứ người" với hãng hàng không Vietjet Thái Lan, đang vận hành 20 tàu bay và thuộc nhóm dẫn đầu tại quốc gia này.
"Với Vietjet, hàng không không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là hạ tầng phát triển – một chiếc cầu kết nối ước mơ, tri thức và cơ hội", bà Thảo nói. Do đó, hãng đang xây dựng một hệ sinh thái hàng không toàn diện từ kỹ thuật, logistics, đào tạo, nghiên cứu ứng dụng đến hợp tác với các nhà sản xuất tàu bay và động cơ hàng đầu thế giới như GE, Pratt & Whitney, Airbus và Boeing. Mục tiêu của Vietjet là góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới, với năng lực cạnh tranh dựa trên công nghệ, chất lượng và con người.
Thảo Vân