U80 Nhật Bản vẫn phải đi làm vì chính sách 23 tỷ USD tăng tỷ lệ sinh chưa hiệu quả, hệ thống lương hưu gặp áp lực
Nhật Bản đang đau đầu giải quyết tình trạng lao động già hoá.
Dân số Nhật Bản giảm, thậm chí già đi nhanh chóng nhiều doanh nghiệp phải đau đầu giải quyết bài toán lao động. Đầu năm 2023, chính phủ cam kết chi 3,5 nghìn tỷ Yên (23,6 tỷ USD) nhằm tăng tỷ lệ sinh, song bản chất thiếu hụt lao động sẵn có vẫn thách thức phía các nhà tuyển dụng.
Theo The Japan Times, lĩnh vực chăm sóc người già đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Không có nhiều người trẻ sẵn sàng làm công việc này nên độ tuổi trung bình của các nhân viên chăm sóc rơi vào khoảng 50, cao hơn khoảng 7 năm so với mức trung bình của tất cả các ngành. Con số dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa khi các cơ sở chật vật thu hút lao động mới.
Chỉ riêng trong năm 2023, hơn 500 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo trợ và chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản đã phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực chăm sóc được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần lên 690.000 vào năm 2040, ngay cả khi người cao tuổi đã được nghỉ hưu vẫn đang tìm cách tham gia lực lượng lao động. Ryohei Suzuki, người sáng lập Sketter vào năm 2019, cho biết: “Người cao tuổi đang tìm cách tham gia lực lượng lao động ngay cả khi họ đã nghỉ hưu. Họ có thể làm việc toàn thời gian”.
Theo The Japan Times, chính phủ có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của các tài xế taxi tư nhân lên 80 từ mức 75 hiện nay. Khu vực nông thôn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu phương tiện đi lại trầm trọng do chính quyền địa phương cắt giảm phương tiện giao thông công cộng. Chính vì vậy, taxi trở thành lựa chọn duy nhất cho những người không còn có thể tự lái xe đến bệnh viện hoặc trung tâm mua sắm.
Một quan chức chính phủ cho biết, các tài xế taxi có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn ở các thành phố lớn nên thường miễn cưỡng chuyển đến các khu vực nông thôn. Bằng cách nâng độ tuổi lái xe, họ có thể sẽ suy nghĩ lại.
Recruit Holdings, công ty nhân sự lớn nhất Nhật Bản, cho biết đã bắt đầu làm việc với phía tuyển dụng khoảng 1 thập kỷ trước để giúp các lao động lớn tuổi có nhiều cơ hội việc làm hơn. Những công việc bao gồm chất hàng lên kệ siêu thị trước giờ mở cửa; dọn dẹp, chuẩn bị nhà xưởng trước khi công nhân đến…
Theo Kuniko Usagawa, giám đốc nghiên cứu của JOBS, các công ty sẽ dễ dàng tìm được nhân viên hơn bằng cách đưa ra khung giờ làm việc linh hoạt. “Câu chuyện dân số già ở Nhật Bản thường bị nhìn nhận một cách tiêu cực, nhưng tôi tin rằng ý tưởng trên có thể được áp dụng trên toàn cầu bởi các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số”.
Vào năm 2017, một nhà hàng Nhật Bản còn thuê những bệnh nhân sa sút trí tuệ từ viện dưỡng lão để làm bồi bàn, nhận đơn đặt hàng và giao bữa ăn cho khách. Quá trình vận hành gặp nhiều sai sót, song mục đích chính của kế hoạch này là nâng cao nhận thức và sự hỗ trợ trong xã hội.
Theo Tổ chức Alzheimer Quốc tế, chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến 55 triệu người trên toàn thế giới và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới. Tại Nhật Bản, nơi có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới, bệnh mất trí nhớ được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến 1/5 dân số vào năm 2025.
Dữ liệu từ Trung tâm việc làm thuộc Chính phủ Nhật Bản cho thấy, số người từ 65 tuổi trở lên đang tìm kiếm việc ở Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, từ 140.000 người lên 256.000 người. Luật Lao động Nhật Bản quy định các công ty phải tuyển dụng lao động đến 65 tuổi. Với những người từ 65 - 70 tuổi, các công ty chỉ được khuyến khích cung cấp việc làm.
Theo tính toán, chỉ riêng lương hưu có thể sẽ không đủ với nhiều lao động cao tuổi tại Nhật Bản. Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản ước tính vào năm 2019 rằng mỗi người sau khi nghỉ hưu cần có một khoản dự phòng trị giá 20 triệu Yên, tương đương 145.000 USD, mới có thể trang trải cuộc sống.
Theo báo cáo về thay đổi nhân khẩu học tại châu Á do Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc thực hiện, dân số châu Á đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Tại Nhật Bản, số người từ 75 tuổi trở lên được dự báo sẽ lên tới 22,58 triệu vào năm 2030, chiếm khoảng 20% tổng dân số.
Dân số già hóa nhanh chóng tạo gánh nặng cho hệ thống lương hưu, đồng thời tăng nhu cầu đối với các loại hàng hóa, dịch vụ và cơ sở hạ tầng cho người cao tuổi. Chính phủ Nhật Bản ước tính với xu hướng dân số như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi hàng năm trên đầu người sẽ tăng 75%, lên hơn 1.500 USD vào năm 2050 so với mức của năm 2019.
Theo: The Japan Times, Nikkei Asia