Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ yêu cầu NHNN 'làm việc ngay' với các ngân hàng để hạ lãi suất cho vay, điều hành cung tiền hợp lý

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).

Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và các chính sách khác; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Làm việc ngay với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; bám sát diễn biến thị trường để điều hành lượng tiền cung ứng, tín dụng, lãi suất, tỷ giá đồng bộ, hài hòa, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả theo mục tiêu chung, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT