Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện nhà ở xã hội

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, đồng thời đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình.

de-nghi-chinh-phu-thanh-tra-toan-dien-nha-o-xa-hoi-antt-1715580076.jpg
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện nhà ở xã hội. Ảnh minh hoạ.

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định từ đầu năm 2024 đến nay, dù tình hình thế giới còn nhiều thách thức khó lường, những tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn.

Trong đó, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng Chính phủ nhận định, thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý.

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa phương tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chung cư tăng giá khoảng 40% so với 5 năm trước.

Tương tự, giá đất nền cũng tăng trở lại tại các thành phố lớn, thậm chí giá tăng cục bộ do đầu cơ, gây ảnh hưởng tới nhu cầu nhà ở của người dân, lao động.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận bất động sản có tín hiệu phục hồi, nhưng khó khăn về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Thậm chí, thị trường xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán nhà ở xã hội.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, đồng thời đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình.

Theo cơ quan thẩm tra, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội. Trước tiên, người có nhu cầu thực (ở, sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.

Trong khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phân khúc này giải ngân rất chậm. Đến nay mới có một nửa địa phương công bố 71 dự án tham gia chương trình này. Các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỷ đồng. 12 dự án được giải ngân, khoảng 956 tỷ. Số này gồm 947 tỷ cho chủ đầu tư của 8 dự án và 9 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.

Năm 2024, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thống kê đến hết quý I/2024, cả nước mới có 13 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn. Trong số đó, mới chỉ có 5 dự án hoàn thành với quy mô 2.016 căn.

Tiến độ này cho thấy, mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm nay sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được. Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy quỹ nhà ở này ngày từ đầu năm 2024.

Trước thực tế khó khăn này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, sửa các quy định, điều kiện và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Việc này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà, tiếp cận vốn vay gói tín dụng nhà ở xã hội.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT