Văn Phú Invest muốn chuyển toàn bộ 650 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu góp vốn vào Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ

Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, Văn Phú Invest dự kiến trình cổ đông phương án chuyển toàn bộ 650 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu cho Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ - doanh nghiệp thực hiện dự án Grandeur Palace Giảng Võ.

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (Văn Phú Invest, mã VPI) vừa công bố Nghị quyết HĐQT số 2003/NQ-HĐQT thông qua chủ trương điều chỉnh phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2023 của công ty.

Cụ thể, phương án sử dụng vốn trước khi điều chỉnh là dự chi 150 tỷ đồng góp thêm vốn vào Công ty TNHH Văn Phú Resort - Lộc Bình và chi 500 tỷ đồng góp vốn thêm vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú- Giảng Võ, thời gian thực hiện trong quý IV/2023 và quý I/2024.

Sau điều chỉnh, VPI sẽ dành toàn bộ 650 tỷ đồng góp vốn thêm vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú- Giảng Võ. Thời gian thực hiện khoản đầu tư này diễn ra trong quý IV/2023 đến quý II/2024.

van-phu-invest-muon-rot-toan-bo-650-ty-dong-trai-phieu-cho-du-an-grandeur-palace-giang-vo-1711006935.PNG
Nguồn: VPI

VPI cho biết việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2023 của công ty nêu tại Nghị quyết này sẽ được báo cáo tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất. 

VPI đã công bố ngày đăng ký chốt quyền tham dự Đại hội cổ đông, ngày tổ chức đại hội năm nay dự kiến vào 4/4/2024.

Về lô trái phiếu, ngày 31/1/2024, VPI đã kết thúc đợt chào bán 6,5 triệu trái phiếu ra công chúng, thu về tổng cộng 650 tỷ đồng. Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Kỳ hạn của lô trái phiếu này là 36 tháng, trả lãi 6 tháng/lần. Lãi suất cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, các kỳ tiếp theo là lãi suất thả nổi (được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank + 4%, nhưng không thấp hơn 9,5%/năm).

Tài sản để bảo đảm cho việc phát hành lô trái phiếu này là tài sản gắn liền với đất theo các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Đầu tư Hùng Sơn, cùng quyền tài sản phát sinh từ và/hoặc liên quan đến tài sản trên và 16,5 triệu cổ phiếu VPI thuộc sở hữu của ông Tô Như Toàn - Chủ tịch Văn Phú - Invest. Tổng giá trị tài sản bảo đảm là 1.155 tỷ đồng, tức gấp 1,77 lần giá trị phát hành lô trái phiếu.

Về Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ, doanh nghiệp được thành lập tháng 1/2015. Trước đây, Chủ tịch VPI Tô Như Toàn cũng đồng thời là Chủ tịch Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ.

Cập nhật mới nhất từ tháng 1/2024, ông Tô Như Thắng (Phó Chủ tịch HĐQT VPI) giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp. Đầu tháng 3/2024, Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ vừa tăng vốn điều lệ từ 428 tỷ đồng lên 928 tỷ đồng.

Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ được biết đến là chủ đầu tư dự án Grandeur Palace số 138 Giảng Võ (Dự án Grandeur Palace Giảng Võ). Đây là tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn, căn hộ và nhà ở thấp tầng có quy mô 9.031 m2 với tổng mức đầu tư 2.441 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức BT – hợp đồng xây dựng và chuyển giao giữa Bộ Y tế và Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Giảng Võ.

Tại BCTC hợp nhất quý IV/2023của VPI ghi nhận giá trị bất động sản hoàn thành tồn kho tại dự án Grandeur Palace Giảng Võ hơn 6,5 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh thu thuần của VPI ghi nhận 1.876 tỷ đồng, giảm 276 tỷ đồng so với năm trước đó.Lợi nhuận sau thuế là 463 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát vẫn âm 45,9 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT